Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Đột phá lĩnh vực giáo dục và đào tạo bắt đầu từ quản lý

0 nhận xét

Phó Thủ tướng thừa nhận, đối với giáo dục phổ thông, chương trình đang vận hành được thông qua từ năm 2006 còn nặng về giáo dục kiến thức mà còn hạn chế giáo dục kỹ năng cũng như hoạt động ngoài xã hội.

Từ năm 2007 – 2008, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan trong nước và nước ngoài thiết kế một chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm áp dụng cho giai đoạn sau năm 2015.

PPTNguyenthiennhan Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Đột phá lĩnh vực giáo dục và đào tạo bắt đầu từ quản lý

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Ngành GD&ĐT đã xác định quản lý giáo dục là khâu đột phá.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành một số điều chỉnh  như giảm tải chương trình, hạn chế lối học thuộc lòng; tăng cường giáo dục kỹ năng trong giờ hoạt động xã hội; bổ sung  ngay những nội dung cấp thiết như trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong 10 năm tới…

Đối với giáo dục đại học, Phó Thủ tướng thừa nhận, trong một thời gian dài chúng ta chưa làm rõ chuẩn sinh viên tốt nghiệp đại học phải đạt kỹ năng gì, năng lực cụ thể như thế nào. Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường đại học phải công bố chuẩn đầu ra, đến nay có trên 50%  số trường đã công bố.

Đối với học sinh – sinh viên vùng sâu, vùng xa, vùng có đời sống khó khăn, ngành đã có chính sách hỗ trợ ưu tiên, trong đó có ưu tiên về điểm, song vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo xét điểm chặt chẽ hơn  nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Cũng theo Phó Thủ tướng, ba năm trở lại đây, ngành Giáo dục và Đào tạo đã xác định quản lý giáo dục là khâu đột phá của hệ thống giáo dục.

Theo đó, quy hoạch giáo dục bậc đại học, phổ thông và dạy nghề  được phân cấp trách nhiệm. Ngành cũng hoàn chỉnh quy chế quản lý Nhà nước, trên cơ sở đó đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục từ phổ thông đến giáo  dục đại học.

Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ hiệu trưởng và coi đây là điều kiện tiên quyết bởi các nhà trường chỉ có thể mới đổi mới được khi các hiệu trưởng có tinh thần đổi mới. Trong 3 năm qua, ngành giáo dục và đào tạo đã tổ chức bồi dưỡng 28 nghìn hiệu trưởng.

Liên quan đến vấn đề đầu tư, Phó Thủ tướng cho biết, dù Nhà nước đã dành 20% ngân sách cho giáo dục, nhưng thực tế nhu cầu vẫn còn rất lớn và tăng nhanh. Một ví dụ là nếu năm 2000, 100 học sinh tốt nghiệp phổ thông chỉ có 16 em vào đại học, thì năm 2011, con số này tăng lên 55 em.

Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đang xây dựng Đề án về vấn đề chi phí và giá các dịch vụ xã hội dịch vụ công, trong đó có giáo dục. Một mặt, xây dựng định mức giá thành với chi phí đầy đủ, mặt  khác có chính sách đảm bảo cho các đối tượng khó khăn được hỗ trợ trực tiếp để có thể thụ hưởng các dịch vụ công.

Riêng với giáo dục, định hướng là sẽ tiếp tục có hỗ trợ cho học sinh, sinh viên các vùng khó khăn, đồng thời quan tâm hơn tới giáo viên với những chính sách cụ thể về lương, chính sách thâm niên…

Tổng hợp chung các ý kiến xung quanh phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, nhiều bạn đọc khẳng định, với nguồn lực của đất nước hiện nay, mặt bằng về giáo dục và đào tạo đã được cải thiện, các cử tri bày tỏ đồng tình và chia sẻ với Chính phủ về những tồn tại của ngành giáo dục và đào tạo.

Theo đó, các cử tri đề nghị cần đẩy mạnh giám sát việc công bố chuẩn đầu ra của sinh viên, đề nghị ngành giáo dục cần đôn đốc các nhà trường phải thực thi nghiêm túc hơn nữa để xã hội biết rõ chất lượng của từng nhà trường. Đồng thời, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý Nhà nước của ngành giáo dục và đào tạo.

Nhiều độc giả cũng đồng tình với kế hoạch nâng cao chất lượng về dạy và học ngoại ngữ trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân. Đặc biệt, bạn đọc bày tỏ tin tưởng Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 7/2011 sẽ được triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Linh Đan – Từ Lương

Ảnh: Nhật Bắc


(Theo website Nguyễn Thiện Nhân)

Leave a Reply