Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Quản lý giáo dục là khâu đột phá của hệ thống giáo dục

0 nhận xét

Tại buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận sáng ngày 24/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã giải trình thêm trước Quốc hội về các vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục, để góp phần làm rõ thêm nguyên nhân của tình trạng yếu kém hiện nay và đưa ra hướng giải quyết trong thời gian tới.

pho thu tuong 24  Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Quản lý giáo dục là khâu đột phá của hệ thống giáo dục

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên chất vấn

Giải thích về vấn đề cấp bách trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Đối với giáo dục phổ thông còn nặng về giáo dục trong phòng học, trường học mà hạn chế về giáo dục kỹ năng, hoạt động ngoài xã hội. Muốn sửa một chương trình như vậy phải có thời gian và từ năm 2007 -2008, Chính phủ đã chỉ đạo về vấn đề này. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với cơ quan trong nước và nước ngoài để thiết kế một chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng cho giai đoạn sau (2015). Trong khi chưa sửa được chương trình này thì vừa qua ngành giáo dục cũng đã làm một số việc như hướng dẫn điều chỉnh các môn học phổ thông để bớt học thuộc lòng, bớt trùng lặp các bộ môn.

Liên quan đến vấn đề đào tạo đại học không bám sát nhu cầu thực tiễn, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra rằng, thực tế một thời gian dài hệ thống giáo dục đại học chủ yếu đào tạo là theo khả năng, tuy rằng có bám sát yêu cầu thực tiễn, nhưng chưa làm rõ chuẩn sinh viên tốt nghiệp đại học phải có kỹ năng gì, làm việc vị trí nào? “Trong 2 năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường đại học phải công bố chuẩn đầu ra đối với người tốt nghiệp ngành của mình. Đến nay trên 50% trường đại học đã công bố. Chuẩn đầu ra của các trường phải phối hợp với cơ quan sử dụng lao động, các doanh nghiệp để xây dựng yêu cầu, để khi ra trường phải làm được gì, biết được gì” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho biết thêm, trong 10 năm qua, tỷ lệ người được đào tạo nghề nghiệp đã tăng: từ 16% lên  40%, và tỷ lệ này rất quan trọng. Hiện nay đông nhất là công nhân tiếp đến lực lượng trung cấp sau đó mới đến đại học, cao đẳng. Như vậy, hiện không còn tình trạng đại học, cao đẳng đông hơn công nhân.

Đối với các học sinh vùng sâu, vùng xa có điều kiện khó khăn, ngành GD-ĐT đã có chính sách hỗ trợ, ưu tiên qua điểm, nhưng quan trọng hơn, theo Phó Thủ tướng, là phải bồi dưỡng cho học sinh tại các trường dự bị đại học, tại các trường dân tộc nội trú đảm bảo học lực khá mới được xét tuyển vào đại học. Vừa qua, Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ đạo xét chặt chẽ hơn để nâng cao chất lượng.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, ba năm trở lại đây, ngành giáo dục xác định vấn đề quản lý giáo dục là khâu đột phá của hệ thống giáo dục. Theo đó, thứ nhất, ngành giáo dục phải hoàn chỉnh lại quy hoạch giáo dục bậc đại học, phổ thông và cơ sở nghề theo phân cấp trách nhiệm. Thứ hai là thực hiện phân cấp trong quản lý, giám sát điều kiện hình thành, hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học và dạy nghề. Thứ ba là phải hoàn chỉnh quy chế quản lý nhà nước ở các cấp học, trên cơ sở đó đẩy mạnh tự chủ của cơ sở giáo dục từ phổ thông đến giáo dục đại học, tăng cường tự chủ trên cơ sở khẳng định tự chịu trách nhiệm của mình. Thứ tư, phải nâng cao chất lượng đội ngũ hiệu trưởng các trường vì đây chính là các tư lệnh của giáo dục trên 3 vạn trường phổ thông và hơn 400 trường đại học và cao đẳng.

Đối với lương giáo viên, Phó Thủ tướng chỉ đạo cần phải được quan tâm đầu tư, nâng cao hơn nữa với lộ trình lương của Chính phủ, đồng thời một số chính sách như thâm niên đã được thực hiện và cần tiếp tục hoàn thiện chính sách đối với giáo viên vùng khó khăn, đối với cán bộ quản lý giáo dục.

Việt Anh

(Theo DCS)


(Theo website Nguyễn Thiện Nhân)

Leave a Reply