Hội thảo kinh tế Việt nam-Nhật Bản lần thứ tư tại Tokyo

0 nhận xét

Chiều 30/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với Hội đồng thúc đẩy ngoại giao nhân dân (FEC) của Nhật Bản đã tổ chức cuộc hội thảo kinh tế Việt-Nhật lần thứ 4 tại Tokyo. Tham dự hội thảo có đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam do Bộ trưởng Võ Hồng Phúc dẫn đầu và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình. Hội thảo đã thu hút hơn 100 đại diện các viện nghiên cứu, doanh nghiệp Nhật Bản tới dự.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch FEC Ken Matsuzawa cảm ơn chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho chính phủ và nhân dân Nhật Bản tình cảm chân thành và sự ủng hộ kịp thời trong thảm họa động đất-sóng thần vừa qua.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc tham dự hội thảo kinh tế Việt-Nhật lần thứ 4 tại Tokyo. (Ảnh: Nguyễn Minh Sơn)

Ông cho biết FEC thường xuyên phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức các cuộc hội thảo kinh tế thường niên trao đổi các thông tin, ý kiến giữa chính phủ và doanh nghiệp hai nước nhằm mục đích tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Ông rất hoan nghênh Bộ trưởng Võ Hồng Phúc tới dự và phát biểu tại hội thảo, đồng thời tin rằng đây là cơ hội tốt để hai bên trao đổi ý kiến mang tính xây dựng tích cực nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực cùng quan tâm.

Với tư cách là một trong hai nhà đồng tổ chức hội thảo, Đại sứ Nguyễn Phú Bình chia sẻ những tổn thất mà Nhật Bản phải gánh chịu trong trận động đất-sóng thần và sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, đồng thời cám ơn các tổ chức, cá nhân đã giúp đỡ công dân Việt Nam sơ tán an toàn khỏi các khu vực chịu động đất mạnh.

Đại sứ cũng thông báo kết quả thành công tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 Đảng Cộng sản Việt Nam, cho biết Đại hội đã thông qua nghị quyết, trong đó có nội dung về dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và tán thành những nội dung cơ bản về đánh giá tình hình 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X (2006-2010) và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2011-2015 nêu trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X trình Đại hội XI.

Về quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, Đại sứ Nguyễn Phú Bình nhấn mạnh năm 2009, lãnh đạo hai nước đã nhất trí nâng quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Đại sứ tin chắc rằng quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững vì có nhiều điểm tương đồng và nhiều thế mạnh có thể bổ sung cho nhau.

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc chia sẻ với chính phủ và nhân dân Nhật Bản những tổn thất nặng nề trong thảm họa kép động đất-sóng thần vừa qua, bày tỏ sự cảm phục trước tinh thần bình tĩnh, kiên cường của nhân dân Nhật Bản trong khắc phục hậu quả thiên tai. Bộ trưởng cho biết chưa bao giờ ở Việt Nam lại có một phong trào quyên góp ủng hộ sâu rộng như vậy dành cho nhân dân Nhật Bản, qua đó mới thấy hết tình cảm chân thành giữa những người bạn thân thiết của nhau.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, những nhiệm vụ khó khăn mà Việt Nam cần giải quyết như vừa phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện thâm hụt thương mại, chống lạm phát, xóa đói giảm nghèo, phấn đấu trong 10 năm tới tăng thu nhập bình quân đầu người từ 1.200 USD lên 3.500 USD.

Để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, Việt Nam cần tới 300 tỷ USD vốn đầu tư để nâng cấp, cải thiện cơ sở hạ tầng, hoàn thiện chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Để có nguồn vốn lớn như vậy, chính phủ Việt Nam sẽ huy động các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, trong đó chú trọng hình thức phối hợp đầu tư công-tư.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc hoan nghênh các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Bộ trưởng đánh giá cao hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, cho rằng Nhật Bản là nhà đầu tư chiến lược đối với nền kinh tế Việt Nam, là một trong những yếu tố giúp kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.

Bộ trưởng tin tưởng rằng với những ưu thế có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau vì lợi ích chung của hai bên, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Tại cuộc hội thảo, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng đã trả lời các câu hỏi mà các viện nghiên cứu và doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm về chính sách ưu đãi của chính phủ Việt Nam dành cho nhà đầu tư nước ngoài, các biện pháp ổn định, phát triển kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam./.

Minh Sơn-Thanh Tùng (Vietnam+)

(Theo www.nguyenthiennhan.net)
Continue reading →

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp của Hội đồng bầu cử

0 nhận xét

Chiều 30/5, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì phiên họp thứ năm Hội đồng Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. 

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng bầu cử cho ý kiến vào báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Phiên họp. (Ảnh: Trí Dũng)

Báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử do ông Phạm Minh Tuyên, Trưởng ban công tác đại biểu, Tổng thư ký Hội đồng Bầu cử trình bày cho biết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã diễn ra trong không khí dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thành công tốt đẹp.Tỷ lệ cử tri tham gia cuộc bầu cử đạt rất cao ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước trong đó, có 4 tỉnh cao nhất, đạt 99,99% là Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn.

Thảo luận, đóng góp ý kiến, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng cho rằng báo cáo cần làm rõ hơn tầm quan trọng của công tác chuẩn bị đã góp phần làm nên thành công của cuộc bầu cử. Bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo tích cực của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường vụ Quốc hội, cần phải đánh giá vai trò của Hội đồng bầu cử, các tiểu ban giúp việc cho Hội đồng bầu cử, cũng như tổ chức bầu cử các cấp…

Phó Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn Quynh đề nghị báo cáo cần đánh giá và làm nổi bật nội dung, ý nghĩa của cuộc bầu cử đã được nhân dân và cử tri cả nước hết sức quan tâm, những kết quả đạt được thể hiện trách nhiệm cao của cử tri và nhân dân cả nước, đặc biệt là ý nghĩa của việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân cùng trong một thời điểm.

Tán thành với nhiều nội dung của Báo cáo, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần có sự phân tích, đánh giá để làm rõ hơn tính chất dân chủ, bình đẳng và những kết quả đã đạt được của cuộc bầu cử.

Phát biểu kết luận phiên họp thứ năm, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Nguyễn Phú Trọng đánh giá báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử về cơ bản đã phản ánh đúng thực chất của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các thành viên, Tổng Bí thư đề nghị trong Báo cáo cần nêu rõ bối cảnh, đặc điểm, yêu cầu, tính chất của cuộc bầu cử lần này, đồng thời làm nổi bật những điểm mới của cuộc bầu cử (bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân cùng trong một ngày…).

Trên tinh thần làm rõ hơn về thắng lợi của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, đồng chí đề nghị cần có sự phân tích cụ thể kết quả của cuộc bầu cử để thấy được chất lượng của cuộc bầu cử.

Báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 sẽ được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên, trước khi trình Thường vụ Quốc hội xem xét vào đầu tháng Sáu tới./.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

 


(Theo www.nguyenthiennhan.net)
Continue reading →

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phê duyệt đề án đào tạo cán bộ, giảng viên trình độ cao trong lĩnh vực VHNT

0 nhận xét

Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trình độ cao trong lĩnh vực VHNT, giai đoạn 2011 – 2020″ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ thực hiện việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ theo hình nhiều hình thức với mục tiêu cụ thể: đào tạo tại các trường Đại học có uy tín của nước ngoài khoảng 500 thạc sĩ và 300 tiến sĩ. Đào tạo theo hình thức liên kết giữa các trường ĐH đào tạo VHNT ở Việt Nam và nước ngoài khoảng 300 thạc sĩ và 120 tiến sĩ. Đào tạo trong nước khoảng 4.000 thạc sĩ và 500 tiến sĩ.

Múa sạp-điệu múa phổ biến của một số dân tộc, đặc biệt là dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Ảnh minh họa

Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 65% giảng viên đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trong các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật (VHNT) đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có khoảng 30% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Bên cạnh đó, giai đoạn từ năm 2011 – 2020 đào tạo ĐH ở nước ngoài khoảng 350 người nhằm tạo nguồn để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên có trình độ cao hơn.

Ngoài ra, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trình độ cao thuộc các nhóm ngành: Văn hóa, Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Sân khấu, Điện ảnh, Múa, Xiếc.

Theo Đề án, đối tượng tuyển chọn đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ là giảng viên các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp, có năng lực và trình độ chuyên môn, có độ tuổi không quá 45 tuổi đang hoạt động trong lĩnh vực VHNT.

Đối tượng tuyển chọn đào tạo ĐH ở nước ngoài là sinh viên các trường ĐH, CĐ VHNT. Ưu tiên tuyển sinh đào tạo cán bộ, giảng viên và sinh viên ở các vùng kinh tế – xã hội khó khăn, vùng núi, hải đảo.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án dự kiến khoảng 1.015 tỉ đồng.

Hoàng Diên


(Theo www.nguyenthiennhan.net)
Continue reading →

Tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc PVN

0 nhận xét

Ngày 29/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức cuộc họp báo về việc ngày 26/5, tàu Hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) khi tàu Bình Minh 02 đang khảo sát địa chấn trong thềm lục địa của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nêu rõ: Khu vực Việt Nam tiến hành thăm dò hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, theo Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp, lại càng không thể nói là khu vực “do Trung Quốc quản lý”. Trung Quốc đang cố tình làm dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp.

Vị trí các tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và cắt cáp của tàu Bình Minh 02.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh: “Việt Nam kiên quyết phản đối hành động của phía Trung Quốc phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của Việt Nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây thiệt hại lớn cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước phát biểu ngày 28/5/2011 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng “Việc phía Việt Nam tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng biển do Trung Quốc quản lý đã làm tổn hại lợi ích và quyền quản lý của Trung Quốc ở “Nam Hải”, đi ngược lại nhận thức chung của hai nước về vấn đề “Nam Hải”… “Hành động mà cơ quan chủ quản của phía Trung Quốc áp dụng hoàn toàn là hoạt động giám sát và chấp pháp trên biển trong vùng biển do Trung Quốc quản lý. Phía Trung Quốc luôn nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định “Nam Hải”", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nêu rõ: “Việt Nam bác bỏ phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 28/5 về vấn đề này. Cần làm rõ một số điểm như sau. Thứ nhất, khu vực Việt Nam tiến hành thăm dò hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, theo Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp, lại càng không thể nói là khu vực “do Trung Quốc quản lý”. Trung Quốc đang cố tình làm dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp. Thứ hai, Việt Nam luôn tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước là giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình. Không có nhận thức chung nào nói rằng Trung Quốc có quyền cản trở các hoạt động của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Chính hành động này của Trung Quốc đã đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước. Thứ ba, Trung Quốc kêu gọi giải quyết các tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình, nhưng chính hành động của Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

Vị trí các tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và cắt cáp của tàu Bình Minh 02.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc ở biển Đông và gần đây Trung Quốc có một loạt va chạm với Việt Nam và cả Philippines, ông Nguyễn Duy Chiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia khẳng định:”Yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, trái với Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật Biển mà Trung Quốc là một thành viên. Yêu sách này xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, và đã bị nhiều nước phản đối. Việc Trung Quốc tìm cách thực hiện yêu sách này trên thực tế đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố “Trung Quốc chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp”, “dù lớn mạnh cũng không xưng bá”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói: “Chúng tôi mong rằng Trung Quốc sẽ thể hiện vai trò có trách nhiệm của một nước lớn, thực hiện đúng tinh thần tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc”.

Cũng tại cuộc họp báo, ông Đỗ Văn Hậu, Phó Tổng Giám đốc PVN đã thông báo diễn biến sự việc tàu Bình Minh 02 của PVN bị 3 tàu Hải giám của Trung Quốc cản phá, đe dọa, cắt cáp thăm dò tại vị trí: 12o48’25″ Bắc và 111o26’48″ Đông, cách mũi Đại Lãnh (tỉnh Phú Yên) 116 hải lý.

Ông Đỗ Văn Hậu khẳng định: Khu vực khảo sát nằm rất sâu trong thềm lục địa của Việt Nam; PVN đã tiến hành khảo sát nhiều lần và hoạt động khảo sát của tàu Bình Minh 02 trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là hết sức bình thường. Việc cắt cáp là có chủ ý và đã được chuẩn bị từ trước, vì nếu không có thiết bị đặc biệt thì không thể cắt cáp ở độ sâu 30m. Sự việc này đã gây thiệt hại đáng kể và cản trở hoạt động của PVN. Tàu Bình Minh 02 và các tàu bảo vệ đã phải dừng công việc để thay thế, sửa chữa thiết bị. Tuy nhiên, đến nay, tàu Bình Minh 02 đã trở lại hoạt động bình thường

PV


(Theo www.nguyenthiennhan.net)
Continue reading →

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tỉnh Quảng Ninh thành một trung tâm nhiệt điện lớn

0 nhận xét

Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Quảng Ninh cần tập trung chỉ đạo hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra của năm 2011 với tốc độ tăng trưởng trên 13%; thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Sớm đưa Quảng Ninh thành một trung tâm nhiệt điện lớn của đất nước

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, Tỉnh phải tập trung tháo gỡ khó khăn duy trì sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và dịch vụ; đồng thời rà soát cắt giảm đầu tư công và kiểm soát chặt chẽ giá cả.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định để phát triển nhanh và bền vững, Tỉnh cần tập trung rà soát, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Tỉnh về ngành công nghiệp khai thác than, cơ khí đóng tàu, nhiệt điện, xi măng, dịch vụ du lịch, kinh tế cửa khẩu, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư khai thác có hiệu quả các loại hình dịch vụ du lịch, Khu công nghiệp – cảng biển Hải Hà, Khu kinh tế Vân Đồn, nuôi trồng hải sản chất lượng cao và các ngành, lĩnh vực mà Tỉnh có lợi thế; phối hợp với Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam rà soát lại quy hoạch, thăm dò, đánh giá trữ lượng than để tập trung đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện, nhưng cần lựa chọn công nghệ phù hợp để bảo vệ môi trường, sớm đưa Quảng Ninh là một trung tâm nhiệt điện lớn của đất nước.

Đồng thời, Tỉnh cũng phải huy động mọi nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục – đào tạo và văn hóa xã hội; đẩy nhanh tốc độ hóa đô thị bảo đảm đồng bộ và bền vững, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong 5 năm qua, Tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân 5 năm (2006-2010) đã đạt 12,7%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (tỷ trọng công nghiệp và xây dựng – dịch vụ chiếm 94,2%; nông nghiệp 5,8%; tốc độ đô thị hóa 55%); thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.330 USD; huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, gắn với xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững…

Quốc Hà


(Theo www.nguyenthiennhan.net)
Continue reading →

Nha Trang-Khánh Hòa đón mùa du lịch biển hướng về Trường Sa

0 nhận xét

Ông Lê Xuân Thân Phó, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà cho hay, để chuẩn bị cho Festival “Nha Trang- Biển hẹn” 2011 diễn ra từ ngày 11 -15/6 sẽ có hơn 50 hoạt động du lịch hấp dẫn như tour câu cá, lễ hội đường phố, lễ hội cầu ngư, lễ hội yến sào cùng các hoạt động ẩm thực…

Hiện nay, các khách sạn và khu du lịch ở Nha Trang – Khánh Hòa đang tích cực chuẩn bị chương trình hưởng ứng Festival Biển 2011 cũng như mùa du lịch hè. Đặc biệt có những hoạt động hướng về Trường Sa, như triển lãm ảnh về Trường Sa, ngắm bản đồ Trường Sa được ghép bằng cà phê, tham dự hội thảo về Trường Sa, hát về Trường Sa thương yêu…

Bãi biển Nha Trang

Bên cạnh đó, nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Khu vui chơi giải trí Vinpearl Land chính thức đưa vào nhiều hạng mục trò chơi mới lý thú nhằm phục vụ du khách, đặc biệt là các em thiếu nhi.

Đồng thời trong dịp Festival Biển 2011, Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist tổ chức một loạt tour đường bộ đưa khách từ TP. Hồ Chí Minh đến Nha Trang. Công ty du lịch Vietravel cũng tổ chức nhiều tour đưa khách đến Nha Trang, trong đó có tour đám cưới tập thể dưới nước.

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa, ước tính tháng 5/2011, Khánh Hòa đón hơn 173.000 lượt khách lưu trú. Nhưng một số chuyên gia ngành du lịch cho rằng , tháng 6 và 7 mới là thời điểm đông khách nhất.

Hiện nay, các khách sạn và khu du lịch ở Nha Trang – Khánh Hòa đang tích cực chuẩn bị chương trình hưởng ứng Festival Biển 2011 cũng như mùa du lịch Hè.

Khu du lịch Cát Trắng Dốc Lết phối hợp với Khu du lịch Bình Quới – Saigontourist, Công ty Cổ phần du lịch Long Phú, Nhà hát kịch TP. Hồ Chí Minh thực hiện 2 chương trình: teambuilding vượt đại dương đi tìm kho báu và ca múa nhạc hài kịch ẩm thực diễn ra từ ngày 9-20/6.

Đặc biệt, khu du lịch này sẽ tái hiện chợ quê đặc trưng của miền duyên hải Nam Trung bộ; giới thiệu làng nghề thủ công truyền thống Việt như làm gốm, chằm nón, dệt vải…

Ban tổ chức dành một sân khấu riêng giới thiệu 3 bộ môn nghệ thuật: Nhạc võ Tây Sơn đến từ Bình Định, đờn ca tài tử miền Nam, các điệu múa Chăm Ninh Thuận và khu ẩm thực với 80 món ngon đặc sắc miền biển Việt Nam.

Sẽ có nhiều tour du lịch biển đảo cho khách chọn lựa, nhưng một trong những điểm khách yêu thích nhất chính là bơi lặn ngắm san hô và cá cảnh ở Hòn Mun, thăm đảo Yến để hiểu thêm về yến sào Khánh Hòa; tham quan thủy cung Trí Nguyên , nơi có nhiều loài cá biển rất đẹp.

Trong nhiều tour đi biển đảo, còn có phần dạo chơi trên biển bằng thúng chai, giúp khách khám phá cuộc sống thú vị của những người đi câu mực…

Anh Thư


(Theo www.nguyenthiennhan.net)
Continue reading →

PTT Nguyễn Sinh Hùng đồng ý tổ chức Hội nghị tôn vinh chiến sỹ cách mạng, yêu nước bị địch bắt và tù đày

0 nhận xét

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng  đồng ý chủ trương tổ chức Hội nghị biểu dương các chiến sỹ cách mạng, chiến sỹ yêu nước bị địch bắt và tù đày.

Bộ LĐTBXH chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuẩn bị nội dung và thời điểm tổ chức Hội nghị trong năm 2012. Hiện nay, cả nước còn gần 90.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày. Đó là những người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng đất nước. Tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của họ là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ ngày nay học tập.

Ảnh minh họa

Xuất phát từ thực tế đó, Bộ LĐTBXH đã đề nghị được phối hợp với Bộ Quốc phòng, Báo Nhân dân và UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc với chủ đề “Hội nghị biểu dương các chiến sỹ cách mạng, chiến sỹ yêu nước bị địch bắt tù đày” tại thành phố Cần Thơ.

Đức Nam

 


(Theo www.nguyenthiennhan.net)
Continue reading →

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tham dự công bố Quyết định thành lập trường Đại học Nguyễn Tất Thành

0 nhận xét

Hôm nay 28/5, tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương đã dự lễ công bố Quyết định thành lập trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Đây là trường trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tiền thân là Trung tâm đào tạo ngành may thuộc Công ty Cổ phần Dệt may Sài Gòn. Đến nay trường có 4 cơ sở với 26.000 sinh viên.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Quyết định thành lập trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Mỗi năm nhà trường cung ứng nguồn nhân lực có trình độ chất lượng và tay nghề cao cho xã hội khoảng 3.000 cử nhân cao đẳng, 7.000 học sinh trung cấp và công nhân lành nghề đáp ứng nhu cầu nguồn lao động của nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong cả nước, giải quyết việc làm cho hơn 1800 cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Thực thế cho thấy 98% sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp đã có việc làm hoặc học liên thông lên bậc cao hơn.

Mục tiêu đến năm 2017, Đại học Nguyễn Tất Thành phấn đấu trở thành một trong những trường hàng đầu của Việt Nam và là một địa chỉ giáo dục, đào tạo có chất lượng, uy tín trong nước và khu vực, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho TP. Hồ Chí Minh và khu vực.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, sự kiện công bố Quyết định thành lập Đại học Nguyễn Tất Thành có ý nghĩa đặc biệt, đúng dịp nhân dân TP Hồ Chí Minh và cả nước kỷ niệm 100 năm ngày người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2011).

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi lễ

Phó Thủ  tướng nhấn mạnh, Đại học Nguyễn Tất Thành ra đời trong bối cảnh nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước rất lớn. Nhà trường cần tiếp tục áp dụng mô hình gắn kết bốn nhà: Nhà trường – Doanh nghiệp – Nhà quản lý – Nhà khoa học, thường xuyên đổi mới chương trình đào tạo; nối dài xưởng thực hành với các DN, viện nghiên cứu…, tạo điều kiện cho học viên rèn luyện kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp.

Nhà trường không chỉ đào tạo nghề cho ngành dệt may mà triển khai ra nhiều ngành nghề khác mà xã hội có nhu cầu.

Phó Thủ  tướng Nguyễn Thiện Nhân mong muốn nhà trường quan tâm hơn tới nghiên cứu khoa học, đầu tư toàn diện hơn nữa cho đổi mới khoa học và công nghệ Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao nhà trường có nhiều  đột phá trong công tác giáo dục như sớm công bố chuẩn đầu ra và xây dựng phương pháp quản lý sáng tạo.

Ngày 26/4/2011, Thủ Tướng Chính Phủ đã ký quyết định số 62/QĐ-TTg về việc thành lập trường Đại học Nguyễn Tất Thành trên cơ sở nâng cấp trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành.

Theo đó, trường Đại học Nguyễn Tất Thành có nhiệm vụ đào tạo đa ngành, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Từ Lương


(Theo www.nguyenthiennhan.net)
Continue reading →

Bộ Ngoại giao Việt Nam: phản đối hành động phía Trung Quốc và yêu cầu bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam

0 nhận xét

Ngày 27/5, trả lời câu hỏi của Thông tấn xã Việt Nam về việc ngày 26/5/2011, tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 2 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi đang khảo sát địa chấn trong thềm lục địa của Việt Nam, quan chức Bộ Ngoại giao xác nhận vào lúc 5 giờ 58 phút sáng 26/5/2011, trong khi tàu Bình Minh 02 đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam đã bị 3 tàu hải giám số 12, 17 và 84 của Trung Quốc cắt cáp thăm dò. 

Dây cáp tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt đứt. (Nguồn: TTXVN)

Tọa độ bị cắt cáp ở vị trí 12o48’25” Bắc và 111o26’48” Đông, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý.

Quan chức Bộ Ngoại giao cho biết sáng 27/5/2011, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động nói trên của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.

tàu Bình Minh

Nội dung công hàm cũng nêu rõ hành động nói trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông./.

(TTXVN/Vietnam+)

(Theo www.nguyenthiennhan.net)
Continue reading →

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm và tiếp nguyên Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori

0 nhận xét

Chiều 1/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tiếp ông Norio Hattori- nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ vui mừng được đón tiếp ông Norio Hattori trở lại Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh trong nhiệm kỳ làm việc tại Việt Nam ông Norio Hattori đã để lại dấu ấn đậm nét trong việc thắt chặt mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-Nhật Bản.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Norio Hattori

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Norio Hattori

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mong muốn trong thời gian tới, bằng uy tín và mối quan hệ của mình, ông Norio Hattori sẽ thúc đẩy các phía liên quan của Nhật Bản để đẩy nhanh đề án hỗ trợ đào tạo 1.000 tiến sĩ cho Việt Nam mà Nhật Bản đã cam kết nhằm cụ thể hóa mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản.

Phó Thủ tướng mong muốn hai bên sớm họp Ủy ban hỗn hợp để tiếp tục triển khai các thỏa thuận hợp tác. Trên tinh thần đối tác hợp tác chiến lược, Việt Nam và Nhật Bản cần đẩy mạnh triển khai các thỏa thuận hợp tác đã thống nhất, nhất là các dự án hợp tác về giáo dục, kinh tế, thương mại và đầu tư.

Bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ trước những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội những năm qua, nguyên Đại sứ Norio Hattori cho biết, trong thời gian tới sẽ đề nghị các cơ quan hữu quan và các trường đại học của Nhật Bản sớm xúc tiến chuẩn bị các điều kiện thực hiện cam kết của Chính phủ Nhật Bản đối với Việt Nam trong việc đào tạo tiến sỹ và chuẩn bị các thủ tục cần thiết để triển khai xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế do Nhật Bản hỗ trợ tại Việt Nam.

Là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản có thời gian công tác khá dài tại Việt Nam (từ đầu năm 2002 đến cuối năm 2007) ông Norio Hattori đã khẳng định vai trò cầu nối quan trọng trong quan hệ ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và thúc đẩy toàn diện quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. Sau khi nghỉ hưu ông Norio Hattori là cố vấn của một tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản.

Từ Lương


(Theo www.nguyenthiennhan.net)
Continue reading →

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm và tiếp nguyên Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori

0 nhận xét
Chiều 1/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tiếp ông Norio Hattori- nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ vui mừng được đón tiếp ông Norio Hattori trở lại Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh trong nhiệm kỳ làm việc tại Việt Nam ông Norio Hattori đã để lại dấu ấn đậm nét trong việc thắt chặt mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-Nhật Bản.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Norio Hattori
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Norio Hattori
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mong muốn trong thời gian tới, bằng uy tín và mối quan hệ của mình, ông Norio Hattori sẽ thúc đẩy các phía liên quan của Nhật Bản để đẩy nhanh đề án hỗ trợ đào tạo 1.000 tiến sĩ cho Việt Nam mà Nhật Bản đã cam kết nhằm cụ thể hóa mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản.
Phó Thủ tướng mong muốn hai bên sớm họp Ủy ban hỗn hợp để tiếp tục triển khai các thỏa thuận hợp tác. Trên tinh thần đối tác hợp tác chiến lược, Việt Nam và Nhật Bản cần đẩy mạnh triển khai các thỏa thuận hợp tác đã thống nhất, nhất là các dự án hợp tác về giáo dục, kinh tế, thương mại và đầu tư.
Bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ trước những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội những năm qua, nguyên Đại sứ Norio Hattori cho biết, trong thời gian tới sẽ đề nghị các cơ quan hữu quan và các trường đại học của Nhật Bản sớm xúc tiến chuẩn bị các điều kiện thực hiện cam kết của Chính phủ Nhật Bản đối với Việt Nam trong việc đào tạo tiến sỹ và chuẩn bị các thủ tục cần thiết để triển khai xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế do Nhật Bản hỗ trợ tại Việt Nam.
Là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản có thời gian công tác khá dài tại Việt Nam (từ đầu năm 2002 đến cuối năm 2007) ông Norio Hattori đã khẳng định vai trò cầu nối quan trọng trong quan hệ ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và thúc đẩy toàn diện quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. Sau khi nghỉ hưu ông Norio Hattori là cố vấn của một tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản.
Từ Lương (theo nguyenthiennhan.org)
Continue reading →

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị Báo chí châu Á – AMS 8

0 nhận xét

Hội nghị Cấp cao Báo chí châu Á lần thứ 8 (AMS 8) chính thức khai mạc sáng 24-5, tại Hà Nội. Đây là sự kiện quan trọng hàng đầu khu vực trong lĩnh vực Phát thanh – Truyền hình, lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam, do Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) phối hợp với Viện Phát triển Phát thanh- Truyền hình châu Á – Thái Bình Dương (AIBD) tổ chức. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tham dự lễ khai mạc và có bài phát biểu quan trọng. Xin giới thiệu tới bạn đọc toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị AMS 8

“Thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng và gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới quý vị đại biểu, các vị khách quí tham dự Hội nghị Cấp cao Báo chí Châu Á lần thứ 8 (AMS 8) diễn ra hôm nay tại Hà Nội, Thủ đô nghìn năm văn hiến của Việt Nam, “Thành phố vì hòa bình” như Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh.

Thưa quí vị đại biểu, thưa các vị khách quý

Chính phủ Việt Nam luôn chú trọng phát triển báo chí truyền thông nói chung và ngành phát thanh – truyền hình nói riêng. Qua từng giai đoạn phát triển của đất nước, chúng tôi đã ban hành, thực thi nhiều chính sách thiết thực, phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Phát thanh – Truyền hình. Đến nay, 67 Đài phát thanh, truyền hình trên phạm cả nước, với nòng cốt là 2 Đài quốc gia: Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam, đang cung cấp gần 200 kênh phát thanh, truyền hình quảng bá. Ngoài ra, mấy năm gần đây, hệ thống truyền hình trả tiền ở Việt Nam cũng đã và đang phát triển rất mạnh mẽ, đã cung cấp đến người xem hơn 50 kênh truyền hình trả tiền trong nước và 75 kênh truyền hình nước ngoài.

Nhờ ứng dụng mạnh mẽ hầu hết công nghệ hiện có của thế giới trong lĩnh vực truyền dẫn, phát sóng, năm 2007, phạm vi phủ sóng phát thanh mặt đất tại Việt Nam đạt hơn 99%, phủ sóng truyền hình mặt đất đạt gần 95%. Từ năm 2008, sau khi phóng thành công vệ tinh viễn thông Vinasat – 1 lên quỹ đạo, tỷ lệ phủ sóng phát thanh và truyền hình ở Việt Nam đạt xấp xỉ 100%. Với dịch vụ Internet băng rộng đã có ở gần 87% số xã, phường, thị trấn, hơn 20 triệu người sử dụng Internet thường xuyên và tất cả các trường học ở Việt Nam – từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông – đều được kết nối và sử dụng Internet miễn phí từ năm 2010, việc phủ sóng phát thanh, truyền hình trên Internet đã và đang được Việt Nam chú trọng phát triển. Từ năm 2009, dịch vụ viễn thông công nghệ 3G đã phát triển ở Việt Nam và hiện nay đang triển khai các thử nghiệm đầu tiên với công nghệ 4G, đã và đang giúp cho nhiều người dân, nhất là giới trẻ có thể dễ dàng tiếp cận với phát thanh-truyền hình di động, truy nhập Internet và các chức năng dữ liệu chuyên sâu khác … bằng điện thoại di động.

Hệ thống Phát thanh – Truyền hình Việt Nam đang phát triển nhanh, mạnh theo hướng hiện đại hóa về kỹ thuật công nghệ, chuyên nghiệp hóa về sản xuất chương trình, đa dạng hóa về thể loại chương trình, góp phần rất quan trọng vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin đa dạng của người dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Với những kết quả nêu trên, có thể nói, Phát thanh – Truyền hình của Việt Nam đã và đang phát triển phù hợp với xu thế chung của thời đại, từng bước hội nhập với Phát thanh – Truyền hình của khu vực và thế giới.

Thưa quí vị đại biểu, thưa các vị khách quý

Sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, đặc biệt là việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số đã và đang đặt ra những cơ hội và cả thách thức cho sự phát triển của ngành Phát thanh- Truyền hình. Nhận thức rõ điều đó, Chính phủ Việt Nam đã có định hướng chiến lược rõ ràng, bước đi cụ thể và quyết liệt chỉ đạo triển khai thử nghiệm và ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình. Sau 4 năm thử nghiệm, năm 2005, Chính phủ Việt Nam đã quyết định triển khai rộng rãi truyền hình số mặt đất áp dụng tiêu chuẩn truyền hình số châu Âu (DVB –T) trên phạm vi cả nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đi trước trong hoạt động số hóa truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình trong khu vực và trên thế giới.

Năm 2009, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020. Theo đó, lộ trình chuyển đổi số hóa truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình đã được đề ra rất cụ thể cho từng giai đoạn, đảm bảo đến năm 2020 cơ bản chấm dứt việc truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất sử dụng công nghệ tương tự; việc làm này, một lần nữa thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy nhanh tiến độ số hóa, bắt kịp xu thế phát triển khoa học công nghệ trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, tôi hoan nghênh và đánh giá cao việc Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Viện Phát triển Phát thanh- truyền hình châu Á – Thái Bình Dương tổ chức Hội nghị AMS -8 tại Hà Nội với chủ đề “Phát thanh – Truyền hình trong kỷ nguyên số”. Tôi tin tưởng rằng, Hội nghị này sẽ là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, chuyên gia cao cấp đến từ các cơ quan, tổ chức Phát thanh – Truyền hình trong khu vực và trên thế giới cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy phát triển Phát thanh – Truyền hình đúng như chủ để của Hội nghị “Phát thanh – Truyền hình trong kỷ nguyên số”. Đồng thời, Hội nghị này cũng sẽ là cơ hội để chúng ta để chúng ta tìm kiếm đối tác, tăng cường hợp tác cùng phát triển trong kỷ nguyên số, đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Cuối cùng, tôi xin gửi tới quý vị đại biểu và các vị khách quý lời chúc sức khỏe và thành đạt. Chúc Hội nghị Cấp cao Báo chí Châu Á lần thứ 8 thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!”

PV


(Theo www.nguyenthiennhan.net)
Continue reading →