Nguyễn Thiện Nhân

Tiểu sử PTT Nguyễn Thiện Nhân

Để tránh những luồng thông tin trái chiều và sai sự thật, Blog PTT Nguyễn Thiện Nhân đưa ra một số thông tin về tiểu sử của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân Đọc thêm...

Nguyen Thien Nhan

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp Đại sứ Ấn Độ

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tiếp Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Rae để trao đổi một số nội dung mà hai nước đang cùng hợp tác thực hiện Đọc thêm..

Nguyen Thien Nhan

Ra mắt Viện Nghiên cứu cao cấp về toán

Sáng 17/1, tại Hà Nội Viện Nghiên cứu cao cấp về toán đã chính thức ra mắt với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cùng đại diện các viện nghiên cứu trong nước và quốc tếĐọc thêm...

Nguyễn Thiện Nhân

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm Brazil

Từ ngày 16 - 18/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tham gia chương trình khảo sát kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo tại Brazil do Văn phòng Ngân hàng Thế giớiĐọc thêm...

Nguyen Thien Nhan

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại các bệnh viện thuộc Bộ Công an

Nhân dịp kỷ niệm 57 năm ngày thầy thuốc Việt Nam, chiều 26/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm, chúc mừng ngày truyền thống của ngành y tế tại Bệnh viện 198 và Bệnh viện Y học cổ truyền – Bộ Công anXem thêm...

Tỉnh Kon Tum bắn pháo hoa nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh

0 nhận xét

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý UBND tỉnh Kom Tum tổ chức 1 điểm bắn pháo hoa tầm thấp, thời lượng 15 phút nhân dịp Lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh vào tối ngày 24/4/2012 tại huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum.

Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng lưu ý, việc tổ chức bắn pháo hoa thực hiện theo đúng Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo; bảo đảm an ninh trật tự và tuyệt đối an toàn.

Được biết, cách đây 40 năm, vào ngày 24/4/1972, với sức mạnh tấn công như vũ bão của các lực lượng vũ trang cách mạng kết hợp với nổi dậy phá kìm của quần chúng, toàn huyện Đắk Tô đã được giải phóng khỏi ách kìm kẹp của Mỹ - Ngụy, mở ra thế và lực mới cho sự nghiệp giải phóng tỉnh Kon Tum và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào mùa xuân 1975 lịch sử.

Trong dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh, sẽ có nhiều hoạt động phong trào mang tính quần chúng cao được tổ chức nhằm động viên tinh thần phấn khởi của nhân dân, niềm tin tưởng và tự hào về truyền thống vẻ vang của quê hương.

Các hoạt động như tổ chức các giải thể dục thể thao kết hợp lễ hội truyền thống trong tháng 3/2012; Hội diễn Nghệ thuật quần chúng Công - Nông - Binh toàn huyện Đắk Tô vào trung tuần tháng 4/2012; Cuộc thi tìm hiểu về Đảng quang vinh, về chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh và lịch sử quê hương Đắk Tô; Trưng bày triển lãm các hiện vật chiến tranh cách mạng và thành tựu kinh tế-xã hội 40 năm qua của huyện Đắk Tô...

Nam Khánh
Continue reading →

Không ai nằm ngoài tầm ngắm của hacker

0 nhận xét

Một sự thật rất nguy hiểm là nhiều Doanh nghiệp nhỏ và người dùng cá nhân thường không để ý đến những vụ mất mát dữ liệu quy mô lớn đăng tải trên báo chí và cho rằng đó không phải là vấn đề đáng lo lắng.


Nhưng trên thực tế, không chỉ các tập đoàn lớn mới là mục tiêu của các vụ tấn công có chủ địch, mà doanh nghiệp cỡ nhỏ cũng gặp phải những vụ mất mát dữ liệu với lượng dữ liệu không hề thua kém.

Một cuộc thăm dò mới đây về mức độ nhận thức đe dọa bảo mật trong các DN vừa và nhỏ năm 2011 của Symantec đã cho thấy, hơn một nửa số DN nghĩ rằng vì họ là một công ty nhỏ nên họ “nằm ngoài diện phủ sóng” của tội phạm mạng. Với tư tưởng đó, nhiều công ty đã không thực hiện những biện pháp phòng ngừa cơ bản để bảo vệ tài sản thông tin của mình.

Theo các chuyên gia, quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Không một mục tiêu nào là quá nhỏ bé trong mắt hacker. Một doanh nghiệp nhỏ nhưng luôn đi đầu về sáng tạo trong lĩnh vực của mình, hoặc chuyên cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tới các công ty/tổ chức mà hacker quan tâm... thì vẫn có thể bị tấn công như thường. Thông tin cá nhân của hàng triệu người dùng Việt Nam đã bị rao bán tràn lan trên mạng trong thời gian qua là một dẫn chứng rõ ràng nhất.

Sớm thành lập Cục An toàn thông tin

Mới đây nhất, tại Hội nghị Tổng kết 2011 của Bộ Thông tin & Truyền thông, các chuyên gia đã nêu lên nhiều hình thức tấn công mới xuất hiện tại Việt Nam mà mức độ tinh vi đủ để người nghe phải giật mình. Thậm chí, các chuyên gia đã có thể thực hiện thử những vụ tấn công nhằm vào máy ATM để rút tiền mà không cần tới thẻ.

Theo ông Vũ Quốc Thành, Tổng thư ký Hiệp hội An toàn thông tin thì có những phương pháp ăn cắp dữ liệu trước đây chỉ mới nghe nói thì trong năm 2011 đã được hacker đem ra áp dụng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ TT&TT sớm thành lập Cục An toàn thông tin, đồng thời xây dựng các chương trình đào tạo nhân lực chuyên sâu về an ninh mạng ở tầm cỡ quốc gia, thậm chí là quốc tế.

“Một quốc gia gần 100 triệu dân như nước ta sẽ cần vài chục nghìn nhân lực làm về an ninh mạng. Cần đảm bảo trong 10 năm tới, chúng ta có thể làm chủ không gian mạng quốc gia để không bị tấn công. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn cả về kinh tế, chính trị lẫn quốc phòng", Phó Thủ tướng khẳng định.

Y Lam
Continue reading →

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia

0 nhận xét

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Học viện Chính trị  - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cần khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển, đồng thời triển khai xây dựng Hội đồng của nhà trường.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. - Ảnh: Chinhphu.vn

Ngày 10/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu Đoàn công tác Chính phủ đã đến thăm và làm việc tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của  PGS. TS Tạ Ngọc Tấn - Giám đốc Học viện, được Đảng và Nhà nước giao thực hiện công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cấp, cao cấp về chủ nghĩa Mác-Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước; khoa học lãnh đạo chính trị và quản lý nhà nước; nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm của một số đảng cộng sản; nghiên cứu và tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, hiện Học viện có 38 chuyên ngành đại học, 28 chuyên ngành thạc sĩ, 15 chuyên ngành tiến sĩ. Hàng năm, Học viện đào tạo cho khoảng 46-47 nghìn lượt học viên.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình hoạt động, một số vấn đề bất cập như quy mô, cơ sở vật chất của nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. So với đòi hỏi của thực tiễn phát sinh trong công tác lãnh đạo, quản lý, chương trình và nội dung đào tạo cao cấp lý luận chính trị còn có những hạn chế. Nội dung chương trình đào tạo mới chỉ chủ yếu cung cấp cho học viên hệ thống phương pháp luận mà chưa chú trọng đến hệ thống các công cụ phân tích, đánh giá chính sách cũng như kỹ năng lãnh đạo, quản lý.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển. - Ảnh: Chinhphu.vn

Do vậy, lãnh đạo Học viện kiến nghị trong thời gian tới cần xác định rõ hơn địa vị chính trị - pháp lý của Học viện, là trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học; cơ quan khoa học đầu ngành về lý luận chính trị, khoa học hành chính và khoa học lịch sử Đảng.

Cùng với việc xác  định rõ vị thế, cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của Học viện và mối quan hệ hợp tác, ủng hộ, chi phối lẫn nhau giữa Học viện với các bộ, ban ngành, tránh sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.

Học viện đề nghị Chính phủ giao quyền tự chủ nhiều hơn để chủ động thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao.

Học viện kiến nghị sớm có chính sách ưu tiên trong đầu tư, phát triển, được tham gia nhiều hơn các chương trình, đề tài, dự án mang tầm quốc gia để có điều kiện đóng góp, cung cấp nhiều hơn những luận cứ khoa học cho hoạch định đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đồng thời, xem xét giành một phần kinh phí trong chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo cho Học viện để có điều kiện tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện giảng dạy, học tập hoặc cho phép Học viện triển khai chương trình mục tiêu cho các cơ sở đào tạo của Đảng để tăng cường cơ sở vật chất cho các đơn vị trong hệ thống Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố.

Phó Thủ tướng Nguyện Thiện Nhân trao đổi cùng lãnh đạo Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. - Ảnh: Chinhphu.vn

Nhấn mạnh yêu cầu đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý, trung cấp, cao cấp của đất nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những đóng góp to lớn, những nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

Phó Thủ tướng đề nghị Học viện cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển, trong đó cần xây dựng và xác định rõ chuẩn đầu ra đối với các ngành đào tạo.

Học viện cần thực hiện nghiêm túc việc học viên đánh giá giảng viên và phải có cơ chế đánh giá người đứng đầu đơn vị một cách thường xuyên, khách quan.

Phó Thủ tướng đã cho ý kiến về một số kiến nghị của Học viện về quy mô tuyển sinh, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kế hoạch đào tạo cán bộ, giáo viên tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và  Đào tạo, Bộ Tài chính đánh giá cụ thể về những tồn tại trong hỗ trợ lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt đối với sinh viên Campuchia và Lào.

Phó Thủ tướng gợi ý Học viện cần triển khai xây dựng Hội đồng của nhà trường, trong đó có sự tham gia của đại diện Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính. Hội đồng họp định kỳ 6 tháng/lần sẽ trực tiếp tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình hoạt động.

Từ Lương
Continue reading →

Năm 2012 chú trọng giảm nghèo bền vững

0 nhận xét
Tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng văn bản pháp luật, sớm triển khai quy hoạch nhân lực tại các địa phương, chú trọng kết hợp các giải pháp đồng bộ để giảm nghèo bền vững là những vấn đề trọng tâm được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đưa ra tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2012 của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) ngày 9/1 tại Hà Nội.

Tạo việc làm mới cho 1,5 triệu lao động

Trong năm 2011, ngành LĐ-TB&XH đã tạo việc làm cho hơn 1,5 triệu người, đưa hơn 88 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 3.500 lao động huyện nghèo, đạt 101,15% kế hoạch (tăng 2,9% so với năm 2010). Mặc dù mục tiêu tạo việc làm mới chỉ đạt 96,1% so với kế hoạch đề ra nhưng trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn thì đây là kết quả đáng ghi nhận. Những thành phố lớn vẫn đi đầu trong việc tạo việc làm cho người lao động như: TP Hồ Chí Minh 265 nghìn người, Hà Nội 138 nghìn người, Đà Nẵng 33 nghìn người…

Cùng với đó, thị trường lao động vẫn tiếp tục phát triển khi các hoạt động, thông tin, dự báo thị trường lao động được triển khai đồng bộ, kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động. Thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia Việc làm - Dạy nghề năm 2011, Dự án Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đã hỗ trợ 118 tỷ đồng đầu tư nâng cao năng lực cho 32 trung tâm giới thiệu việc làm và 10 trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề.

Năm 2011, đã có trên 500 phiên giao dịch việc làm được tổ chức thường xuyên tại các sàn giao dịch của 41 tỉnh, thành phố.

Công tác dạy nghề cũng được quan tâm phát triển. Cả nước đã có 1,9 triệu người được tuyển mới dạy nghề (tăng 6,41% so với năm 2010). Cùng với đó, hệ thống trường dạy nghề cũng được mở rộng quy mô cả về số lượng và chất lượng với hơn 82 cơ sở dạy nghề mới được thành lập. Đề án Dạy nghề cho lao động nông thôn đã hỗ trợ dạy nghề cho hơn 400 nghìn người. Chương trình giảm nghèo tiếp tục được thực hiện trên phạm vi cả nước, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, trong đó các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ giảm 4%, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 12,2%.

Kết hợp đồng bộ 7 yếu tố để giảm nghèo bền vững

Với những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, ngành LĐ-TB&XH trong năm 2011 đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng ghi nhận và năm 2012 ngành LĐTB&XH cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng các văn bản pháp luật, sớm trình Luật Lao động (sửa đổi), Pháp lệnh Ưu đãi người có công; hoàn thiện và trình Đề án Cải cách tiền lương trong giai đoạn tới.

Trước hết, Bộ LĐ-TB&XH cần chỉ đạo các địa phương sớm phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực để có kế hoạch đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo gắn với giải quyết việc làm để có kết quả cao và bền vững, Phó Thủ tướng cho rằng ngành và địa phương cần xác định rõ 7 yếu tố cấu thành để đạt được mục tiêu này: Địa phương có quy hoạch kinh tế, xã hội, quy hoạch nhân lực, có sự tham gia của doanh nghiệp; dự báo nhu cầu nhân lực; giới thiệu việc làm; dạy nghề; sàn giao dịch việc làm; quỹ quốc gia giải quyết việc làm; các định chế tài chính khác. Để thực hiện tốt việc này, có thể giao Đại học Lao động Xã hội và Đại học Kinh tế Quốc dân khảo sát, nghiên cứu, hỗ trợ các địa phương, từ đó tìm ra khâu đột phá.

Năm nay cũng là năm kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, vì vậy ngành LĐ-TB&XH cần quyết liệt thực hiện việc hỗ trợ cho các gia đình chính sách, nạn nhân chất độc màu da cam, hoàn thành việc xây dựng 15 nghĩa trang liệt sỹ ở biên giới, giao cho mỗi trường THPT chăm sóc 1 nghĩa trang, triển khai đề án quy tập hài cốt các liệt sỹ còn thiếu thông tin. Ngày 20/2, Phó Thủ tướng sẽ nghe các Bộ liên quan báo cáo về những công việc trên.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân và một tập thể, hai cá nhân khác.

Hải Yến
Continue reading →

Doanh nghiệp khó hợp tác công - tư về CNTT

0 nhận xét
"Tham gia hoạt động hợp tác công - tư (PPP) với các cơ quan Nhà nước, DN phải lần mò tìm cách giải nhiều bài toán phức tạp", ông Tống Viết Trung, Phó TGĐ Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) chia sẻ.

PPP được đánh giá là giải pháp hữu hiệu nhằm huy động vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý của các DN cho việc phát triển và triển khai ứng dụng CNTT-TT tại VN. Tuy nhiên, các cơ chế chính sách, quy định cụ thể về phương thức PPP trong lĩnh vực CNTT-TT vẫn trong quá trình xây dựng và hoàn thiện (tháng 11/2010, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 71 về thực hiện thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, tạo hành lang pháp lý cho việc đẩy mạnh hợp tác PPP ở VN nhưng trong số các ngành, lĩnh vực được phép áp dụng thí điểm PPP chưa có CNTT-TT), dẫn đến hệ lụy là các DN vấp phải rất nhiều khó khăn khi tham gia PPP.

Ông Trung lấy ngay Viettel làm ví dụ minh họa cụ thể cho nhận định trên: "Khi tham gia dự án của các cơ quan Nhà nước, Viettel thấy có nhiều bài toán phức tạp. Chẳng hạn để quản lý chuyện cập bến và lưu chuyển hàng hóa của tàu thuyền, Bộ GTVT triển khai một dự án ứng dụng CNTT, Tổng cục Hải quan triển khai một dự án khác và các đại lý vận chuyển cũng triển khai ứng dụng. 3 dự án này không thể ghép được với nhau. Nếu không có kiến trúc tổng thể từ đầu để nhìn nhận xuyên suốt cách vận hành và các đối tượng cần tương tác thì sẽ rất khó triển khai những dự án PPP".

Chia sẻ kinh nghiệm tham gia PPP, ông Trung cho biết: "Chúng tôi phải lần mò rất nhiều. Chẳng hạn, khi có nhiều đơn vị quản lý Nhà nước cùng tham gia dự án, trước hết phải xét xem phạm vi trách nhiệm của một đơn vị có thể liên kết với các đơn vị khác trong guồng máy công việc hay không. Có hạ tầng, kinh phí, nguồn nhân lực và có mong muốn tham gia dự án, nhưng chúng tôi khó có thể tổng hợp tất cả yếu tố trên bài toán tổng thể. Rất mong có 1 đơn vị đứng ra lo việc này".

Về vấn đề khả năng thu hồi vốn và chia sẻ đầu tư giữa các DN với cơ quan Nhà nước vốn đang có nhiều băn khoăn, ông Trung khẳng định: "Các DN sáng tạo lắm. Nhà nước cứ giao dự án, DN sẽ tính toán được".

Những khó khăn trong việc tham gia PPP của DN đã "đến tai" lãnh đạo cấp cao của Chính phủ. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đều biết Viettel, VNPT rất muốn các Bộ, ngành hữu quan cụ thể hóa quy định, chính sách về PPP. Đánh giá cao sự nhiệt thành của các DN, Phó Thủ tướng đề xuất triển khai một quy định cụ thể là trong vòng 4 năm (2012 - 2015), những DN tham gia PPP sẽ được miễn thuế doanh nghiệp.

Sự quan tâm đúng mức của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan sẽ tạo động lực cho các DN tích cực tham gia PPP, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả cho các chương trình, dự án CNTT-TT Việt Nam trong thời gian tới.

Xuân Bách

Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 4 ra ngày 9/1/2012
Continue reading →

Chính phủ yêu cầu quyết liệt khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

0 nhận xét
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa chỉ đạo Bộ Y tế phải có chương trình làm việc cụ thể với Tỉnh ủy, Thành ủy và UBND 10 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất (từ 115 trở lên/100) để khắc phục cho được vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành cần có giải pháp mạnh để tỷ số giới tính khi sinh không tăng vượt mức 105/100. UBND 10 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất (từ 115 trở lên/100) phải xây dựng kế hoạch giai đoạn 2011-2015 với các giải pháp đột phá, quyết liệt để nhanh chóng thoát khỏi tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng về tỷ số giới tính khi sinh; hàng năm, có báo cáo về tỷ số này gửi Bộ Y tế để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối  với các tỉnh có tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ) trên 2,1 con, cần có giải pháp quyết liệt để sớm đạt mức sinh thay thế.

Đối với các tỉnh có tổng tỷ suất sinh khoảng 2 con (mức sinh thay thế), cần có giải pháp quyết liệt để duy trì. Đối với các tỉnh có tổng tỷ suất sinh dưới 2 con (dưới mức sinh thay thế), theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cần có giải pháp quyết liệt để có mức sinh thấp hợp lý (tổng tỷ suất sinh khoảng 1,8 - 1,9 con) và không để mức sinh giảm xuống mức quá thấp.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về chính sách duy trì mức sinh thấp hợp lý đối với các tỉnh có mức sinh dưới 2 con và có điều kiện nuôi dạy con tốt để chủ động tránh tình trạng mức sinh giảm xuống quá thấp.

Bộ Giáo dục – Đào tạo được yêu cầu nghiên cứu đưa nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vào chương trình giáo dục trong nhà trường phổ thông để học sinh có nhận thức và hành vi đúng đắn về bình đẳng giới, giới tính, sức khỏe sinh sản và trách nhiệm trong đời sống gia đình.

Theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, 10 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất gồm: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc. Vấn đề này đang gây ra rất nhiều hệ lụy khó lường đối với xã hội.

LÂM NGUYÊN
Continue reading →

Hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm

0 nhận xét
Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, sau tết là những lễ hội được tổ chức ở nhiều địa phương. Ðây là “cơ hội” cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm bùng phát, với những mặt hàng thực phẩm mang tính chất địa phương và dịch vụ ăn, uống phục vụ nhu cầu của thực khách tại các lễ hội, nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm là rất lớn.

Chính vì vậy, Chính phủ chỉ đạo triển khai Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) năm 2012 trong phạm vi cả nước từ ngày 10/1 tới ngày 10/2 với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết dân tộc và các lễ hội”. Tại lễ phát động Tháng hành động vì chất lượng, VSATTP năm 2012 vừa được tổ chức ngày 6/1 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra yêu cầu giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và trong thời gian diễn ra các lễ hội so với cùng kỳ năm 2011; huy động các kênh truyền thông phổ biến đến 100% các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm những nội dung cơ bản của Luật VSATTP và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Hiện nay, công tác đảm bảo VSATTP đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là vấn đề kiểm soát nhập lậu qua biên giới; vấn đề điều kiện vệ sinh của các cơ sở sản xuất; vấn đề tồn dư hóa chất, hóc môn tăng trưởng và ô nhiễm vi sinh vật ở các nông sản làm nguyên liệu thực phẩm và đặc biệt là ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm ở nơi ăn uống đông người, khu du lịch, lễ hội.

Để bảo đảm VSATTP, trách nhiệm trước hết thuộc về các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Do vậy, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, coi việc bảo đảm VSATTP là lương tâm, trách nhiệm xã hội và quyền lợi của doanh nghiệp.

 Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra toàn diện về VSATTP, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Công bố ngay các trường hợp vi phạm, các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, VSATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về phía người tiêu dùng, chỉ mua và sử dụng thực phẩm ở những cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, các sản phẩm đã được công bố tiêu chuẩn được bày bán ở những địa chỉ cố định, rõ ràng; khi mua đọc kỹ nhãn mác, lưu ý hạn sử dụng.

Tháng hành động vì chất lượng, VSATTP sẽ tạo một điểm nhấn trong năm, qua đó tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông các hoạt động vì VSATTP; cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm trên phạm vi cả nước, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm, nhất là các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt và các bệnh truyền qua thực phẩm.

VSATTP tác động trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng, về lâu dài còn ảnh hưởng đến cả nòi giống dân tộc. Ngoài ra, VSATTP còn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Chính vì vậy, các hoạt động bảo đảm VSATTP cần duy trì thường xuyên, liên tục chứ không chỉ tập trung trong Tháng hành động quốc gia vì chất lượng, VSATTP.

NGUYÊN TRƯỜNG
Continue reading →

Nguồn nhân lực CNTT VN chỉ thiếu… một người!

0 nhận xét

 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Tú

Tuy nhiên, đó lại là người quan trọng nhất: thủ trưởng, người đứng đầu, nhà lãnh đạo. Còn nhân lực số đông để thực hiện và triển khai, theo ông Ngọc, thì Việt Nam không hề thiếu.

Trước đây, một số báo có đưa tin về việc doanh nghiệp nước ngoài phàn nàn về chất lượng nhân lực Việt Nam. Trên thực tế, sau đó chính doanh nghiệp này phải gửi đi văn bản khẳng định lại là sinh viên VN sang Mỹ học rất giỏi, giành nhiều giải thưởng và có thành tích nghiên cứu xuất sắc. Như vậy rõ ràng là người VN không yếu về tố chất. Cái chúng ta yếu là phương pháp đào tạo, cách thức đào tạo, ông Ngọc chia sẻ tại Hội thảo Quốc gia về Công nghệ Thông tin & Truyền thông Việt Nam 2011 diễn ra ngày 7/1 tại Hà Nội.

Hiện tại, theo thống kê, VN hiện có khoảng 10 triệu học sinh trung học, 2 triệu sinh viên và hơn một triệu sinh viên học nghề. Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định đây chính là lực lượng nòng cốt để hình thành nên 16-20 triệu công dân điện tử trong giai đoạn 2015-2020, với các kỹ năng công nghệ thành thạo và nền tảng tri thức mạnh để kéo xã hội đi theo.

Phát triển nguồn nhân lực CNTT cũng chính là một trong bốn trụ cột chính của đề án “Sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT”. Bên cạnh đó, một đề án lớn, độc lập là “Chương trình Máy tính nối mạng tri thức” cũng đang được Bộ Thông tin & Truyền thông soạn thảo, với mục tiêu đẩy mạnh, nâng cao trình độ sử dụng và nghiên cứu CNTT trong sinh viên, học sinh, thanh thiếu niên, giáo viên và cộng đồng nói chung.

Trả lời báo giới, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) cho biết để phát triển nguồn nhân lực thì Nhà nước cần ưu tiên đầu tư và có cơ chế đặc thù để phát huy quyền tự chủ cho một số cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm về CNTT, tạo điều kiện cho những cơ sở này đạt đến trình độ quốc tế.

Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình từ phía các chuyên gia tham dự hội thảo. Ông Mai Sean Cang, Tổng Giám đốc Intel Việt Nam khuyến nghị rằng đầu tư cho nguồn nhân lực nên tiến hành một cách có trọng điểm. Các chương trình phát triển giáo dục nên được đẩy mạnh đầu tư và đội ngũ Giáo viên thành thạo, có chất lượng cao về CNTT cần được hình thành trước tiên. “Bộ TT&TT có thể xem xét quỹ Viễn thông công ích để đầu tư, xây dựng lực lượng giáo viên và các cơ sở đào tạo đẳng cấp, từ đó mới lan tỏa, phát triển được đội ngũ nhân lực số lượng lớn là các sinh viên, học sinh”, ông Cang phân tích.

Bình luận về vấn đề này, ông Đường cho biết Bộ TT&TT đã nhận được ý kiến đóng góp từ nhiều phía. Chính vì vậy, sau một năm triển khai, một nhiệm vụ trọng tâm của Đề án “Sớm đưa VN trở thành nước mạnh về CNTT” trong giai đoạn tiếp theo sẽ là xây dựng các cơ chế, chính sách mới hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực CNTT và có những chương trình đào tạo “Kỹ năng thế kỷ 21” cụ thể, với kỹ năng sử dụng CNTT là yêu cầu bắt buộc.

Y Lam
Continue reading →

29.000 tiến sĩ và chiến dịch xóa bỏ ‘xôi chấm xôi’

0 nhận xét
Tháng 6/2010 Chính phủ phê duyệt đề án 10 năm tới, đào tạo xong 20.000 tiến sĩ. Tháng 12/ 2011, Bộ GD-ĐT trình quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của ngành, trong đó đáng chú ý có mục tiêu cũng tới  năm 2020 sẽ “cán đích” 29.000 giảng viên là tiến sĩ ở các trường đại học. Những con số mục tiêu giàu tham vọng này đang khiến các trường xôn xao vì…khó.

8 năm nữa, đại học Việt cần 29.000 tiến sĩ

Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội (tháng 9/2011) cho thấy, cả nước hiện có 440 cơ sở GD ĐH, trong đó 304 trường thành lập mới hoặc nâng cấp lên từ năm 1998.

Ngành giáo dục đặt mục tiêu đến năm 2015 có 70% giảng viên ĐH là thạc sĩ, 30% là tiến sĩ. Trả lời chất vấn trước Quốc hội hồi tháng 11/2011, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, tỷ lệ có trình độ tiến sỹ trở lên toàn ngành hiện nay là 14%, thạc sỹ 35%.

Có đến hơn 50% giảng viên mới tốt nghiệp ĐH đang dạy ĐH - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội Trương Thị Mai cho rằng đó là vấn đề “không ổn, cần khắc phục”.

Làm thế nào nâng cao chất lượng đại học trong khi hơn 50% giảng viên ĐH chỉ có trình độ ĐH?

Tháng 6/2010, Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020. Mục tiêu trong 10 năm, từ năm 2010-2020, khoảng 10.000 tiến sĩ sẽ được đào tạo tại các trường đại học có uy tín trên thế giới và khoảng 10.000 tiến sĩ được đào tạo ở trong nước. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ đào tạo bổ sung được ít nhất 20.000 tiến sĩ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam.

Khắc phục tình trạng "xôi chấm xôi", phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2009 - 2010 - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gợi mở, mỗi trường phải tự rà soát lại mình, tìm ra ít nhất một chuyên ngành đào tạo theo nhu cầu đặt hàng của thực tiễn; một ngành mũi nhọn trọng tâm để xây dựng thương hiệu tiến tới kế hoạch quốc tế hóa ĐH.

Tiếp đó, ngành giáo dục đặt điều kiện với các trường, khi mở ngành mới thì ngành phải có 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ. Không đạt chuẩn sẽ bị đình chỉ tuyển sinh. Cuối năm 2011, Bộ GD-ĐT đã “ra tay”, với quyết định đình chỉ tuyển sinh 12 ngành của 4 trường ĐH không đủ điều kiên.

Song song với "đề án 20.000 tiến sĩ" - Bộ vừa ban hành quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục giao đoạn 2011-2020.

Theo đó, ngành giáo dục phấn đấu, đến năm học 2019-2020, bậc CĐ nhu cầu GV có trình độ thạc sĩ khoảng 27.000 người (60%), trình độ tiến sĩ khoảng 3.500 người (8%); bậc ĐH nhu cầu GV có trình độ thạc sĩ khoảng 58.000 người (70%), trình độ tiến sĩ khoảng 29.000 người (30%).

Khó cán đích 30% tiến sĩ?

GS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phân vân, chỉ tiêu 29.000 tiến sĩ không phải bàn nhiều vì chủ trương đã ban hành các trường phải triển khai. Tuy nhiên nâng tỷ lệ đạt 30% giảng viên trình độ tiến sĩ là bài toán các trường phải phấn đấu cận lực cũng khó đạt.

GS -TS Nguyễn Quang Dong, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nêu thực tế, Nhà nước rất quan tâm đến việc tạo nguồn giảng viên có chất lượng cho các trường ĐH.Tuy nhiên, cả nguồn đưa giảng viên ra nước ngoài đào tạo tiến sĩ và đào tạo trong nước đều gặp khó: giảng viên đủ điều kiện cử đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài hàng năm rất ít, còn đào tạo trong nước thì ít người đăng ký.

Với nguồn đào tạo “tiến sĩ nội”, có một thực tế phổ biến: các trường đào tạo không hết chỉ tiêu.

Như ở Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, từ năm 2008 đến năm 2010, mỗi năm chỉ có 10 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ nhưng không năm nào tuyển đủ, trung bình chỉ có 5-6 người. Đến năm 2011, trường xét tuyển chứ không thi tuyển như trước nên mới đủ chỉ tiêu.

Các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM cũng không nằm ngoài thực trạng này. Năm 2008 Trường ĐH Bách khoa có 20 chỉ tiêu nhưng đăng ký dự tuyển là 16 và chỉ có 7 trúng tuyển, năm 2010 tuyển được 22/30 chỉ tiêu. Tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên liên tiếp mấy năm gần đây số nghiên cứu sinh tuyển được khoảng 1/3 - 1/2 so với chỉ tiêu. Trường ĐH Kinh tế - Luật năm 2008 tuyển được 6/10 chỉ tiêu, năm 2009 được 8/12 chỉ tiêu và năm 2010 cũng chỉ tuyển được 6/12 chỉ tiêu…

Lý do giảng viên chê làm tiến sĩ trong nước, theo phân tích của GS Dong là do không có học bổng học. Còn kinh phí nhà nước cấp không thấm vào đâu (đào tạo tiến sĩ trong nước là 1,05 triệu đồng mỗi tháng). Trong khi đó, người đi học thường chỉ nhận chế độ cho “ cắt giảm giờ giảng, nhận lương theo quy định nhà nước”.

Để cải thiện tình trạng này, theo ông cần tăng chi phí đào tạo cho tiến sĩ trong nước. Một thay đổi quan trọng khác, cũng cần chuyển phương thức từ đào tạo tại chức sang chính quy.

Một vấn đề “tế nhị” nhưng không kém phần quan trọng, theo nhìn nhận của GS Nguyễn Thiện Tống,Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, đó là số trường đào tạo tiến sĩ trong nước có chất lượng chỉ đếm được trên đầu ngón tay; phần nhiều chương trình đào tạo ở các trường chưa đi vào thực chất, còn cả nể.

"Có nhiều nghiên cứu sinh không đạt nhưng hội đồng vẫn cho qua theo kiểu xí xóa. Đào tạo tiến sĩ trong nước hiện còn nửa vời, chưa đúng mức và chủ yếu chạy theo bằng cấp, danh hiệu là chính" - ông chia sẻ.

Còn với các ứng viên “tiến sĩ ngoại”, để cử một người đi học tiến sĩ ở nước ngoài cần phải giỏi cả chuyên môn và ngoại ngữ.Chưa kể, đi học về, xuất hiện tình trạng: làm trong trường đủ năm để “trả nợ giao kèo đào tạo”, sau đó nhảy ra ngoài.

Ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân, khi tuyển đầu vào, giảng viên phải có tiếng Anh đạt 500 TOFEL, nhưng cũng phải mất khoảng 3 năm bồi dưỡng nữa mới cử đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài diện 322 được.

Ở tổng thể, có thể nhìn Đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (Đề án 322) để tiên liệu tính khả thi.

Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Xuân Vang cho biết, sau 10 năm thực hiện đề án, đã có 4.590 người ra nước ngoài học; trong đó, có 2.268 tiến sĩ.

"Đã có 3.017 người về nước, trong đó có 1.074 tiến sĩ", ông Vang cho biết. Như vậy mỗi năm, số giảng viên nhận bằng tiến sĩ có trên 100 người.

Nhìn nhận toàn cục, GS Nguyễn Quang Dong đưa giải pháp, vấn đề sử dụng cán bộ không nên chạy theo bằng cấp. Nếu công tác đề bạt cán bộ theo bằng cấp thì cả xã hội đi học và đi học không đúng chuyên ngành dẫn đến lãng phí, không đạt được mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần xem xét chế độ đãi ngộ phù hợp cho giảng viên đã được nâng chuẩn, ông Dong đề xuất.

Hiện nay, các trường đang phải đối mặt với việc khan hiếm giảng viên chất lượng cao.

Những giảng viên có năng lực thực sự thì thường được các công ty, doanh nghiệp thu hút hết. Năm nào, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng phải đối mặt với hiện tượng giảng viên nhảy việc. Chưa kể những giảng viên đi theo diện 322 sau 10 năm vẫn chưa về. “Không phải họ không hoàn thành nhiệm vụ mà xin gia hạn ở lại học và nghiên cứu tiếp nên trường đành phải chịu”, ông chia sẻ.
Kiều Oanh
Continue reading →

Đề án “Tăng tốc” CNTT: Một năm hoạt động vẫn chưa có Ban điều phối

0 nhận xét
Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT (gọi tắt là Đề án Tăng tốc) đã triển khai được một năm, nhưng vì nhiều lý do, tiến độ thực hiện ở nhiều lĩnh vực còn chậm, và đặc biệt là chưa có Ban điều phối để triển khai Đề án.
Vẫn ở vạch khởi động

Hội thảo Quốc gia về CNTT-TT Việt Nam diễn ra 7-1, với hai chủ đề 'Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT - Một năm nhìn lại' và 'Chương trình Máy tính nối mạng tri thức'.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, trở thành nước mạnh về CNTT-TT là nhu cầu bức thiết của xã hội trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngành CNTT-TT vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trên tiến trình đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT. Điển hình như: chưa xây dựng được cơ chế quản lý bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất khi triển khai các chương trình, dự án CNTT-TT; chưa xác định được thứ tự ưu tiên của các chương trình, dự án CNTT và các giải pháp mới để huy động nguồn lực tài chính; chưa phân định rõ những nội dung nào cần sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, nội dung nào cần doanh nghiệp làm hoặc huy động đầu tư xã hội...

Còn theo ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT kiêm Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, trong một năm vừa qua, điều mà Đề án làm được là tạo niềm tin, sự phấn khích, động lực mới cho cộng đồng CNTT. Đồng thời, việc thông qua Đề án đã tạo tiếng vang lớn đối với cộng đồng CNTT thế giới, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, cải thiện vị trí của Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới.

Tuy nhiên, vì những lý do khách quan và chủ quan, theo ông Đường, việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án trong một năm qua đã gặp khá nhiều khó khăn. Cho tới thời điểm này, vẫn chưa có Ban điều phối để triển khai đề án. Theo ông Đường, việc triển khai chậm là do Đề án được phê duyệt vào cuối năm 2010 nên hầu hết các cơ quan, đơn vị không kịp xây dựng và đăng ký kế hoạch kinh phí năm 2011. Bối cảnh suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao, đầu tư công cắt giảm tối đa. Cùng với đó là thiếu cơ chế rõ ràng để điều phối, quản lý, thống nhất triển khai các nội dung của Đề án.

Cụ thể, với nhiệm vụ phổ cập thông tin đến hộ gia đình, cộng đồng, ông Đường cho biết hiện chưa có cơ chế tài chính để sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích và nguồn kinh phí đấu giá tần số để hỗ trợ một phần kinh phí trang bị thiết bị thông tin số cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn cũng như nghiên cứu phát triển các thiết bị thông tin số cho người cao tuổi và người khuyết tật.

Với nhiệm vụ ứng dụng CNTT, cho tới thời điểm này, bên cạnh những kết quả đạt được như đã hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2011-2015; đã thẩm định kế hoạch của 24 bộ, ngành, 52 địa phương, 8 tổ chức; đã có 16 bộ, ngành, 44 địa phương, 8 cơ quan phê duyệt và triển khai kế hoạch… nhưng khó khăn vường mắc cũng còn không nhỏ. Đó là chậm ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình do các Bộ TT-TT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư phối hợp xây dựng. Thiếu chính sách, chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ chuyên trách về CNTT. Kinh phí cho ứng dụng CNTT chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, tiến độ cấp phát chậm. Đặc biệt, sự phối hợp giữa các cơ quan trong triển khai các dự án quy mô quốc gia còn nhiều hạn chế…

Với nhiệm vụ tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT-TT, cho đến thời điểm này, hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu chưa được đầu tư thích đáng; Số lượng doanh nghiệp CNTT có đầu tư cho R&D và mức đầu tư còn khiêm tốn, hỗ trợ cho các doanh nghệp làm R&D hầu như chưa có. Đặc biệt, chương trình tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ trong lĩnh vực CNTT-TT cũng chưa được xây dựng, triển khai…

“Vẽ lại ma trận về chính sách”

Sau hơn một năm Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ngày 22-9-2010), các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thể vượt qua sức ỳ của quá trình khởi động. Sự phấn khích, niềm tin tưởng trước sự ra đời của một Đề án đồ sộ giờ đây phải nhường lại cho việc tính toán những đường đi nước bước cụ thể hơn.

Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT đã ghi nhận những khó khăn do nhiều lý do khách quan của năm đầu tiên thực hiện Đề án. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TT-TT phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng một bộ tài liệu khẳng định khả năng đóng góp của CNTT đối với đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như hoạt động quản lý Nhà nước.. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan chú trọng tới việc đưa thanh niên thành lực lượng nòng cốt, xung kích triển khai Đề án. Bộ TT-TT và Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT cần cân nhắc thành lập Ban Điều hành chuyên điều phối hoạt động triển khai Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT để bảo đảm hiệu quả cho việc triển khai.

Ông Nguyễn Trọng Đường cho biết, trong năm 2012, Đề án dự kiến sẽ triển khai một số cuộc điều tra, khảo sát gồm: Điều tra khảo sát hiện trạng và phân tích, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực CNTT Việt Nam; Khảo sát, đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: công nghiệp phần mềm, phần cứng - điện tử, nội dung số và dịch vụ CNTT; Điều tra, khảo sát, xây dựng danh mục các sản phẩm CNTT-TT đã sản xuất được trong nước; Khảo sát nhu cầu đào tạo CNTT trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội; Khảo sát, đánh giá mức độ ứng dụng, nhu cầu ứng dụng và lựa chọn mô hình ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp và cộng đồng; Điều tra hiện trạng bảo đảm an toàn thông tin tại các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Đề án sẽ triển khai một số dự án như: Dự án hỗ trợ xây dựng mô hình hoạt động tiên tiến, hiệu quả cho các khu CNTT tập trung; Dự án hỗ trợ nghiên cứu sản xuất máy tính và các sản phẩm đầu cuối giá rẻ cho giảng viên, sinh viên, học sinh và các đối tượng chính sách; Dự án hỗ trợ đào tạo về phần mềm nguồn mở cho các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp; Dự án xây dựng hệ thống phòng chống, ngăn chặn thư rác; Dự án “Thành lập Trung tâm phân tích và dự báo số liệu ngành TT-TT”; Dự án đầu tư xây dựng trung tâm tính toán hiệu năng cao ứng dụng cho các ngành kinh tế, khoa học, công nghệ, kỹ thuật…

LÂM THẢO
Continue reading →