Nguyễn Thiện Nhân

Tiểu sử PTT Nguyễn Thiện Nhân

Để tránh những luồng thông tin trái chiều và sai sự thật, Blog PTT Nguyễn Thiện Nhân đưa ra một số thông tin về tiểu sử của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân Đọc thêm...

Nguyen Thien Nhan

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp Đại sứ Ấn Độ

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tiếp Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Rae để trao đổi một số nội dung mà hai nước đang cùng hợp tác thực hiện Đọc thêm..

Nguyen Thien Nhan

Ra mắt Viện Nghiên cứu cao cấp về toán

Sáng 17/1, tại Hà Nội Viện Nghiên cứu cao cấp về toán đã chính thức ra mắt với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cùng đại diện các viện nghiên cứu trong nước và quốc tếĐọc thêm...

Nguyễn Thiện Nhân

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm Brazil

Từ ngày 16 - 18/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tham gia chương trình khảo sát kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo tại Brazil do Văn phòng Ngân hàng Thế giớiĐọc thêm...

Nguyen Thien Nhan

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại các bệnh viện thuộc Bộ Công an

Nhân dịp kỷ niệm 57 năm ngày thầy thuốc Việt Nam, chiều 26/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm, chúc mừng ngày truyền thống của ngành y tế tại Bệnh viện 198 và Bệnh viện Y học cổ truyền – Bộ Công anXem thêm...

Lập Dự án đầu tư thành lập Học viện Kiểm sát

0 nhận xét
Cho ý kiến về đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc giao lập Dự án đầu tư thành lập Học viện Kiểm sát, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc này.

Đồng thời, căn cứ vào Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2012 - 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc trên trước ngày 25/2/2012.

Được biết, liên quan đến việc thành lập Học viện Kiểm sát, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có buổi làm việc với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngay từ năm 2012, Bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cho các cán bộ của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, chuẩn bị đội ngũ giảng viên cho Học viện trong tương lai.

Quốc Hà
Continue reading →

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm việc tại Hà Nam

0 nhận xét
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm mô hình đào tạo lao động
 tại nhà máy dây điện Sumi Việt Nam
 tại khu công nghiệp Đồng Văn. - Ảnh: Chinhphu.vn
Phó Thủ tướng hoan nghênh tỉnh Hà Nam bước đầu đã coi nguồn nhân lực là tiền đề để phát triển lâu dài, mô hình gắn nguồn nhân lực với cơ sở đào tạo

Ngày 7/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ về thăm và làm việc tại tỉnh Hà Nam.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam đã đạt được trong năm 2011.

Phó Thủ tướng hoan nghênh tỉnh Hà Nam bước đầu đã coi nguồn nhân lực là tiền đề để phát triển lâu dài, mô hình gắn nguồn nhân lực với cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả.

Phó Thủ tướng lưu ý, tỉnh Hà Nam cần phát huy lợi thế của địa phương gần Hà Nội để tạo sự phát triển đột phá; cần tính lại cụ thể hiệu quả kinh tế của từng mặt hàng chủ lực của địa phương; cần ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu khoa học công nghệ của Thủ đô Hà Nội để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường. Phó Thủ tướng tin tưởng, với những quyết tâm chính trị, chú trọng chuyển biến trong thu hút đầu tư, tỉnh Hà Nam sẽ có nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã đi thăm khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao; thăm quan mô hình đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực và dự khánh thành giai đoạn 2 nhà máy Sumi tại khu công nghiệp Đồng Văn (Duy Tiên); thăm hạ tầng khu đô thị Đại học; trồng cây, dâng hương tại Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ tỉnh Hà Nam./.

Theo TTXVN
Continue reading →

Khẩn trương xây dựng quy hoạch Khu Đại học Phố Hiến

0 nhận xét

Sáng 2/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên, Ban Quản lý khu Đại học Phố Hiến và các Bộ có liên quan để nghe báo cáo về cơ cấu nguồn vốn triển khai xây dựng Khu Đại học Phố Hiến.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Thời hạn cuối cùng để trình Thủ tướng Chính phủ tiêu chí di dời các trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội đô là trong tháng 3/2012. - Ảnh: Chinhphu.vn

Theo Quyết định 999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Khu Đại học Phố Hiến có tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.000ha, trong đó diện tích đất sử dụng xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ khoảng 700ha và diện tích sử dụng xây dựng đô thị khoảng 300ha. Khoảng 80.000 sinh viên và 500-1.000 cán bộ nhân viên của các cơ sở nghiên cứu, phát triển khoa học sẽ học tập, làm việc tại đây.

Cho đến thời điểm này, tỉnh Hưng Yên đã nghiên cứu các giải pháp nhằm triển khai nhanh việc thu hút, tiếp nhận sớm các trường đại học thành lập cơ sở mới tại Khu Đại học Phố Hiến. Theo đó, Đại học Chu Văn An, Đại học Giao thông vận tải, Ngoại thương và Thủy lợi đã đăng ký triển khai lập dự án tại đây.

Dự kiến, kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung dự kiến khoảng 5.350 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.250 tỷ đồng ( theo đơn giá hiện nay là 3.500 tỷ đồng), kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung khoảng 4.280 tỷ đồng. Dự kiến nguồn vốn đầu tư được lấy từ bán đấu giá quyền sử dụng 300ha đất khoảng 4.800 tỷ đồng; vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác khoảng 730 tỷ đồng.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét yêu cầu và giới thiệu các trường đại học đang trong nội thành Hà Nội di chuyển về Khu Đại học Phố Hiến. Đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ tỉnh 700 tỷ đồng để đáp ứng yêu cầu về vốn trong giai đoạn đầu như công tác quy hoạch, xây dựng một số hạ tầng thiết yếu.

Cho ý kiến về những kiến nghị của Hưng Yên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Hưng Yên để xây dựng quy hoạch Khu Đại học Phố Hiến, hoàn thành trong quý 1/2012.

Liên quan đến việc di dời các trường đại học, cao đẳng trong nội đô ra ngoại thành Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện đề án này. Thời hạn cuối cùng để trình Thủ tướng Chính phủ tiêu chí di dời các trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội đô là trong tháng 3/2012.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hưng Yên khẩn trương triển khai và lập quy hoạch chi tiết khu đất 300ha (nơi dự kiến sẽ bán đấu giá) để thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào dự án này.

Căn cứ tất cả các điều kiện đi kèm nêu trên, trong quý 3/2012, UBND tỉnh Hưng Yên xây dựng phương án báo cáo Thủ tướng đề xuất hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương.

Từ Lương
Continue reading →

1.500 tỷ đồng cho KH-CN phục vụ nông thôn

0 nhận xét

Chính phủ dành kinh phí dự kiến khoảng 1.500 tỷ đồng cho Chương trình KH-CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015.

Chương trình KH-CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015 vừa được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký ban hành theo Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 5/1 dựa trên cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, từ đó đánh giá hiệu quả để tổ chức nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cuộc sống (Ảnh: Phương Hoàn)

Theo đó sẽ có 70% đề tài, dự án thuộc Chương trình có kết quả được công bố trên tạp chí KH-CN trong và ngoài nước; 10% đề tài, dự án được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và tập huấn, chuyển giao công nghệ cho 10.000 lượt đối tượng.

Kinh phí dự kiến để thực hiện Chương trình khoảng 1.500 tỷ đồng được bố trí từ các nguồn ngân sách Trung ương, tài trợ quốc tế, các doanh nghiệp; kinh phí từ các chương trình lồng ghép phát triển kinh tế - xã hội và chương trình khoa học, công nghệ khác có liên quan; thời gian thực hiện đến năm 2015…
Mai Hà
Continue reading →

Ðổi mới cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ

0 nhận xét

Ðề án "Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý, hoạt động và tổ chức KH và CN" do Bộ KH và CN soạn thảo, khi được Chính phủ thông qua  hứa hẹn sẽ tạo bước đột phá, hỗ trợ thúc đẩy sáng tạo nghiên cứu khoa học trong thời gian tới như cơ chế tài chính, cơ chế thu hút nhân tài, phát triển thị trường KH và CN. Các vấn đề này đã được bàn thảo tại Hội nghị "Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý, hoạt động và tổ chức KH và CN" do Bộ KH và CN tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Ðổi mới cơ chế tài chính liên quan hoạt động khoa học và công nghệ

Sau 11 năm thực hiện, Luật Khoa học và Công nghệ (ban hành từ năm 2000) đến nay đã bộc lộ một số điểm chưa hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, cần được điều chỉnh, sửa đổi kịp thời. Trong những năm qua, cơ chế tài chính cho hoạt động KH và CN là một vấn đề còn nhiều vướng mắc nhất. Những vướng mắc chưa được giải quyết như tình trạng phân tán nguồn vốn ngân sách nhà nước về đầu tư phát triển KH và CN; vấn đề về tạo nguồn, cơ cấu và phương thức phân bổ, điều tiết, sử dụng ngân sách nhà nước dành cho KH và CN còn bất cập. Ngoài ra, chưa hình thành được cơ chế phù hợp và chưa có chế tài đủ mạnh để huy động nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp và xã hội cho hoạt động KH và CN.

Thí dụ như Luật Ngân sách quy định: "Ðối với chi phí đầu tư phát triển, việc lập kế hoạch dự toán phải căn cứ vào quy hoạch, chương trình, dự án đầu tư đã có quyết định của cấp có thẩm quyền". Tuy nhiên, nhiều năm Bộ Tài chính áp đặt cứng nhắc quy định này đối với các nhiệm vụ KH và CN. Ðể đáp ứng yêu cầu này, việc đề xuất xây dựng các đề tài, dự án phải làm trước đó từ 15 đến 18 tháng. Việc áp đặt cứng nhắc cơ chế hành chính hóa cho hoạt động sáng tạo khoa học có tính đặc thù riêng là không phù hợp, gây ức chế cho giới khoa học. Một ý tưởng hay một vấn đề khoa học khi đã được nhận dạng cần phải giải quyết ngay nhưng phải đến hơn một năm sau mới có kinh phí thì có thể đã trở nên lạc hậu, không còn tính cấp thiết.

Hiện nay, công tác phân bổ ngân sách KH và CN vẫn mang tính bao cấp, chia theo tỷ lệ của năm trước mà không tính đến hiệu quả hoạt động, nhu cầu thực tế. Mặc dù Bộ KH và CN là cơ quan quản lý nhà nước ngành và chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động KH và CN của quốc gia nhưng thực tế việc phân bổ ngân sách, bộ không có quyền quyết định thế nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm giải trình trước Chính phủ, số tiền đó địa phương tiêu gì, tiêu như thế nào.

Về điều này, Bộ trưởng KH và CN Nguyễn Quân cho biết, nên chuyển tiền đầu tư KH và CN thông qua các quỹ hoạt động KHCN bởi cơ chế điều hành, quản lý quỹ sẽ năng động và linh hoạt hơn nhiều so với mô hình hành chính Nhà nước. Ðây cũng là xu hướng của thế giới đang triển khai rất có hiệu quả.

Thí điểm chính sách trọng dụng cán bộ KH và CN

Hiện nay tổng đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ còn thấp, mới ở mức 1%. Nguồn nhân lực chưa có điều kiện để phát triển. Số lượng các nhà khoa học đầu ngành, có trình độ chuyên môn cao và hiện đang tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học mang tính chuyên nghiệp là rất ít và ngày càng suy giảm, trong khi các cán bộ khoa học trẻ lại không được tạo động lực để phấn đấu theo đuổi và gắn bó với sự nghiệp khoa học lâu dài.

Mặc dù chúng ta đã có cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm thông qua Nghị định 115 nhưng nhiều viện nghiên cứu, nhất là các viện lớn thuộc Nhà nước còn e ngại và không thích tách khỏi "bầu sữa" ngân sách nhà nước.

Ðể tháo gỡ vướng mắc này, Bộ KH và CN sẽ kiến nghị Chính phủ công nhận danh hiệu Nhà khoa học Nhân dân, Ưu tú cho người làm KH và CN. Bên cạnh đó, thí điểm chính sách trọng dụng cán bộ KH và CN được giao nhiệm vụ quốc gia theo đơn đặt hàng của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động KH và CN ở Việt Nam như mức lương, nhà ở, giao quyền hạn, chế độ tự chủ tài chính...

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Nguyễn Xuân Thu cho biết: Ðể đổi mới toàn diện hoạt động KH và CN, cần phải có tư duy đột phá như khoán 10 trong nông nghiệp trước kia. Hiện Bộ NN và PTNT đã đề xuất Chính phủ cho thí điểm tám viện nghiên cứu của bộ hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo đặc thù riêng của bộ.

GS, TS Ðỗ Năng Vịnh, Viện Di truyền Nông nghiệp đã thẳng thắn chỉ ra rằng, chừng nào chúng ta còn chưa nhận thức được các quy luật vận hành, các động lực cần có của phát triển KH và CN quốc tế và trong nước, chừng đó chúng ta chưa thể đổi mới KH và CN một cách thật sự. GS Vịnh đã dẫn chứng, Trung Quốc đã trở thành cường quốc số một thế giới về khoa học cây lúa. Qua những gì quốc gia này làm, có thể nhận thấy, Trung Quốc đã đặt cây lúa thành sản phẩm chiến lược số một quốc gia.

Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Những kết quả đã đạt được sau bảy năm thực hiện đề án chứng tỏ sự chuyển biến rất quan trọng, đúng hướng và là tiền đề cho giai đoạn tiếp theo.

Phó Thủ tướng đề nghị thời gian tới, ngành KH và CN cần sắp xếp lại hệ thống các đơn vị nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho hợp lý, có chính sách phân loại cấu trúc các đơn vị nghiên cứu để tạo thành chuỗi nghiên cứu ứng dụng đồng bộ, thống nhất, trở thành nòng cốt của hệ thống đổi mới quốc gia. Bên cạnh đó cần có cơ chế đặt hàng các nhà khoa học và phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội để tránh lãng phí.

MINH CHÂU
Continue reading →

Ra mắt Viện Nghiên cứu cao cấp về toán

0 nhận xét

Sáng 17/1, tại Hà Nội Viện Nghiên cứu cao cấp về toán đã chính thức ra mắt với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cùng đại diện các viện nghiên cứu trong nước và quốc tế, các bộ, ngành, nhà khoa học.

Phát biểu tại lễ ra mắt, GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc viện nghiên cứu cao cấp về toán cho rằng, sự kiện này đã ghi lại một dấu mốc quan trọng đối với nền toán học Việt Nam vốn còn non trẻ. Theo GS Ngô Bảo Châu, mong muốn chung của giới toán học trong nước là được chứng kiến các hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực tri thức này và có thể đóng góp vào tiến bộ chung của đất nước. Dù hoạt động là lý thuyết hay thực hành thì toán học vẫn đóng vai trò quan trọng và cơ bản trong sự phát triển của các ngành khoa học và đem lại tiến bộ cho nền kinh tế quốc gia.


Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tặng hoa GS Ngô Bảo Châu nhân dịp ra mắt Viện Toán. (Ảnh: B.N)

Theo quy chế tổ chức và hoạt động, Viện sẽ trở thành một trung tâm toán học xuất sắc, có môi trường làm việc tương đương với một số nước phát triển về Toán để trao đổi học thuật nhằm nâng cao năng lực khoa học của các nhà nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng toán học.

GS Châu chia sẻ, sự ra đời của viện sẽ góp phần thực hiện có bài bản các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ do nhà nước giao và đề xuất, bên cạnh đó tạo điều kiện làm việc thuận lợi để nâng cao trình độ các nhà toán học trẻ trong nước; tạo điều kiện để các nhà toán học Việt Nam có năng lực trở thành chuyên gia quốc tế; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; thu hút các nhà toán học Việt Nam ở nước ngoài và nhà toán học quốc tế tới tham gia nghiên cứu, đào tạo...

Phát biểu tại lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, lần đầu tiên, Chính phủ đã dành 650 tỉ đồng ngân sách, tương đương với hơn 20 triệu đô la để phát triển chương trình toán học. Chính phủ cũng dành một quy chế đặc thù để GS Ngô Bảo Châu có thể chủ động hoàn toàn với nguồn kinh phí này. Với sự đầu tư cũng như điều kiện đặc biệt đó, Chính phủ mong muốn Viện nghiên cứu toán cao cấp sẽ trở thành một trung tâm toán học xuất sắc, môi trường làm việc tương đương với một số nước phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu của chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010-2020. Đảm bảo toán học Việt Nam phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào việc phát triển đất nước và nâng cao vị thế của toán học Việt Nam trên trường quốc tế.

Bích Ngọc
Continue reading →

Trao tặng Huân chương Pháp chủ Giáo hội Phật giáo

0 nhận xét

Ngày 17/1, tại chùa Viên Minh (Quang Lãng, Phú Xuyên, Hà Nội), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trân trọng trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trước sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể, chức sắc tôn giáo và các tăng ni, phật tử.

Phát biểu tại lễ trao tặng, Phó Thủ tướng chúc mừng Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã được đón nhận danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng. Phó Thủ tướng tán thán những công lao và đóng góp đặc biệt xuất sắc của Hòa thượng cho đạo pháp, dân tộc, điều hành hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đạt nhiều thành tựu nổi bật, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, kiên định với mục tiêu đường hướng hành đạo mà Giáo hội đã đề ra “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội,” góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Nhân dịp năm mới, Phó Thủ tướng chúc Hòa thượng sức khỏe, phúc tuệ duyên trường, tiếp tục lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam đạt thêm nhiều thành tích, góp phần vào công cuộc đổi mới của nhân dân ta. Phó Thủ tướng cũng gửi đến chư tôn giáo phẩm, tăng ni và đồng bào phật tử Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước lời chúc an lạc, hạnh phúc, chúc Giáo hội đạt nhiều thành tựu trong công tác Phật sự, phát huy hơn nữa các giá trị tích cực của mình trên con đường phục vụ đất nước và phục vụ nhân dân.

Hòa thượng Thích Phổ Tuệ bày tỏ sự xúc động và tấm lòng tri ân công đức được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ là vị cao tăng thạc đức có uy tín lớn của Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước, suốt cuộc đời cống hiến cho đạo pháp và dân tộc. Hòa thượng đã có nhiều đóng góp tích cực vào những việc làm ích đạo, lợi đời, là một trong những người tham gia Giáo hội Phật giáo ngay từ những ngày đầu tiên vận động tiến tới thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đảm nhiệm nhiều trọng trách của Giáo hội, ở cương vị nào, Hòa thượng cũng là tấm gương sáng của tín đồ Phật tử về trí tuệ và đạo hạnh, là tòng lâm thạch trụ của Phật giáo Việt Nam, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Học thuật, những nghiên cứu và trước tác của Hòa thượng đã trở thành sách tu học của nhiều thế hệ tăng ni, phật tử Phật giáo Việt Nam.

30 năm xây dựng và trưởng thành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng đã góp phần phát triển Giáo hội vững mạnh, đóng góp tích cực vào các phong trào xã hội, vận động tăng ni và tín đồ, phật tử tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, động viên chức sắc, tín đồ xây dựng khối đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)
Continue reading →

Giáo viên bao giờ có thưởng Tết?

0 nhận xét

Sau một năm lao động vất vả, ai cũng muốn được thưởng Tết để về lo cho gia đình mình. Nhiều ngành nghề ít cũng được thưởng vài trăm nghìn, có người được thưởng hàng chục triệu đồng. Đó là thành quả lao động của cả năm. Nhưng với các thầy, cô giáo, nhất là vùng sâu, xa sau một năm vất vả gieo con chữ vùng cao thì việc đó là … mơ.


“Tự thưởng” cho mình.
         
Một ngày giáp Tết, khi các học sinh đã chuẩn bị nghỉ Tết, chúng tôi ngược dốc Thung Khe đến trường tiểu học Đồng Bảng (Mai Châu). Khi hỏi về việc chuẩn bị ăn Tết, ai cũng buồn. Chị Nguyễn Thị Sâm đã có 23 năm đứng lớp tâm sự: “Năm nào cũng vậy, chẳng bao giờ anh- chị em giáo viên trong trường dám nghĩ tới chuyện thưởng Tết cả. Ngay cả một tờ lịch của ngành cũng không có. Giáo viên nơi đây không được nhận thưởng Tết cũng thành quen rồi”. Việc nghĩ đến thưởng quả là quá xa vời. Đa số học sinh của trường đều thuộc diện con nhà nghèo. Các em đến lớp áo mặc chưa đủ ấm, cơm chưa đủ no. Cán bộ, giáo viên nhà trường không có nguồn thu nào khác ngoài lương của các giáo viên. Có giáo viên còn trích một phần lương ra mua bút mực cho các em. Thầy Bùi Xuân Hải, Hiệu trưởng trường tiểu học Đồng Bảng khi nói về vấn đề thưởng Tết cho các giáo viên chỉ cười trừ: “Năm nay, mỗi giáo viên được nhận 200.000 đồng tiền Tết trích từ nguồn kinh phí trích của quỹ công đoàn. Quỹ này do giáo viên đóng góp, cuối năm lấy ra động viên nhau vậy”.

Tết đến trong thâm tâm mỗi giáo viên, ai cũng muốn có một khoản thưởng để về sắm Tết chung vui của gia đình. Dù sao cũng chỉ là động viên. Một giáo viên trường tiểu học Tân Sơn chia sẻ: “Xem trên các phương tiện đại chúng thấy nhiều ngành thưởng ít cũng một tháng lương, nhiều vài chục triệu tới vài trăm triệu đồng cũng thấy chạnh lòng. Tuy nhiên, mỗi ngành nghề một đặc thù riêng. Với nghề giáo, mỗi lứa học sinh trưởng thành là niềm động viên, an ủi với giáo viên. Đó cũng là hạnh phúc lớn nhất để mình tiếp tục gắn bó với nghề, nhất là ở nơi miền núi cao bốn bề heo hút này…”. Qua tìm hiểu thêm, hầu hết ở các trường đều trích quỹ công đoàn để “tự thưởng” cho mình, có trường còn trích quỹ đi nghỉ mát (nghĩa là hàng tháng trích lương để đến hè đi nghỉ mát), thậm chí, hết quỹ có trường còn phải đi vay lãi ngoài để “động viên” giáo viên. Còn việc trả thì sang năm tính tiếp.

Động viên là chính.

Khác với những ngành nghề khác, cán bộ, giáo viên, trong ngành giáo dục từ trước đến nay không có tháng lương thứ 13. Cũng như những người làm các ngành khác trong xã hội, mỗi dịp Tết đến, người giáo viên cũng phải sửa soạn, mua sắm những vật dụng cần thiết cho bản thân và gia đình. Do đó, không ít giáo viên có tâm lý “sợ” Tết đến vì không biết “nhìn” vào khoản nào để trang trải, chi tiêu trong dịp Tết.

Đến Phòng Giáo dục huyện Mai Châu, ông Nguyễn Hùng Mạnh, Chủ tịch công đoàn đang chuẩn bị đi trao quà Tết cho các giáo viên. Ấy vậy mà khi nói đến Tết nhất với các giáo viên, ông lại không vui cho lắm: “Chỉ có 10 suất quà, mỗi suất trị giá 300.000 đồng để trao cho những giáo viên bị ốm đau, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thôi. Đây là danh sách mà các trường phải bình bầu mãi mới gạn được đấy. Số giáo viên còn lại là trên 1.500 người không ai được nhận cả”. Theo ông Mạnh, năm nào may mắn mà ngân sách huyện còn dư dả, giáo viên được ứng trước 1 tháng lương để ăn Tết. Mấy năm gần đây, ngay cả việc được nhận lương sớm cũng không thành.

Chưa có chính sách thưởng Tết cho giáo viên từ cấp trên, một số trường đã “sáng tạo” để dành các khoản chi trả tiền thừa giờ, chấm bài, văn phòng phẩm, tiền thưởng cho các danh hiệu thi đua phát vào dịp cuối năm để giáo viên có thêm khoản tiêu Tết. Một số trường lại cho phép giáo viên được tạm ứng tháng lương kế tiếp. Được cấp tháng lương tiếp theo, nhiều giáo viên có tâm trạng phấn khởi bởi có thêm được khoản tiền mua sắm mấy ngày Tết nhưng cũng canh cánh nỗi lo là sau Tết không biết trông vào khoản nào để chi tiêu lại phải rơi vào cảnh “no dồn, đói góp”.

Còn nhớ, trong dịp chuẩn bị đón Tết Kỷ Sửu năm 2009, Phó Thủ tướng - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân trong bức thư gửi lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước đã bày tỏ mong muốn nhận được sự chia sẻ nỗi thiệt thòi của đội ngũ nhà giáo mỗi dịp Tết về. Bức thư có đoạn viết: “Bộ GD&ĐT thiết tha đề nghị các đồng chí Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Chủ tịch UBMTTQ các tỉnh, thành phố, quận, huyện bằng khả năng tối đa của mình góp phần làm cho ngày Tết là những ngày vui hơn của gia đình các thầy, cô giáo tại quận mình, huyện mình, tỉnh mình, thành phố mình để ít đi những giọt nước mắt phải chảy ngược vào trong lòng mỗi khi Tết đến…”.

Đó cũng là mong muốn của những giáo viên ở những nơi vùng sâu, xa nhưng đến nay cũng vẫn chỉ là ước mơ mà thôi.
Continue reading →

Kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện tín dụng đối với học sinh, sinh viên

0 nhận xét

Tại Thông báo số 9/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung chỉ đạo khẩn trương rà soát, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.


Rà soát, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện tín dụng đối với học sinh, sinh viên - Ảnh minh họa

Trên cơ sở đó kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót và có hướng dẫn việc thực hiện trong học kỳ II năm học 2011-2012.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, đề xuất việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2008-2015 theo hướng: thành lập Ban Chỉ đạo triển khai quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia và đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2011-2020, trong đó lưu ý lựa chọn được các thành phần hợp lý, có đại diện của 1 đến 2 tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang tham gia tích cực vào công tác đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hướng dẫn và lập kế hoạch xây dựng khung trình độ đào tạo quốc gia đối với công tác đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối quý II/2012 để triển khai thực hiện và hoàn thành việc này trong năm 2013.

Ngoài ra, chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, lưu ý làm rõ về các nội dung tự chủ, gắn liền với nghĩa vụ, trách nhiệm của các trường; có cơ chế giám sát hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các trường, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2012 sau khi Luật Giáo dục đại học được thông qua.

Hoàn thiện hệ thống đánh giá trình độ phát triển nhân lực

Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì việc hướng dẫn và lập kế hoạch xây dựng khung trình độ đào tạo quốc gia đối với công tác đào tạo trình độ cao đẳng nghề, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối quý II/2012 để triển khai thực hiện và hoàn thành việc này trong năm 2013.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và ban hành Thông tư liên Bộ hướng dẫn cơ chế tài chính trong việc triển khai quy hoạch phát triển nhân lực của Bộ, ngành, địa phương, hoàn thành trong tháng 1/2012; hoàn thiện hệ thống đánh giá trình độ phát triển nhân lực để hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện trong tháng 2/2012.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và hướng dẫn việc khai thác, sử dụng trang thông tin điện tử về phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, hoàn thành trong quý I/2012.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án phát triển đội ngũ trí thức và nhân lực trình độ cao, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2012.

Nam Khánh
Continue reading →

Đề án 1956 có ý nghĩa thiết thực trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

0 nhận xét

Ngày 11/1, Chính phủ  tổ chức hội nghị toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 21/11/2009 về phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020 (gọi tắt là Đề án 1956).

Ảnh: Chinhphu.vn

Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg, hội nghị được truyền hình trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Sau 2 năm thực hiện Đề án, có thể khẳng định Đề án 1956 đã thành công, tạo dấu ấn rất sâu đậm và có ý nghĩa to lớn trong nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội trên toàn quốc. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành việc hướng dẫn và triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án, gần 800 ngàn lượt người được học nghề, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề ở 54 tỉnh, thành phố đạt trên 70%, đã cơ bản hoàn thành việc tổ chức thí điểm mô hình dạy nghề và đặt hàng dạy nghề cho lao động nông thôn và xây dựng được một số mô hình tiên tiến.

Các doanh nghiệp dệt may khẳng định Đề án 1956 đã có tác động tích cực tới các doanh nghiệp trong 2 năm qua. Trong bối cảnh thiếu hụt lao động nghiêm trọng, kinh tế suy giảm thì những cơ chế của Đề án tạo ra đã giúp doanh nghiệp thu hút lao động, đồng thời tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật lao động của người lao động nông thôn đã được nâng cao.

Với Đề án 1956, lần đầu tiên những mục tiêu định lượng về số lao động được đào tạo nghề và hiệu quả của các lớp học được đưa ra. Theo đó, bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, giai đoạn 2011 – 2015 đào tạo nghề cho 5,2 triệu lao động nông thôn. Khoảng 120.000 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế được học nghề theo đơn đặt hàng. Về hiệu quả, Đề án đặt mục tiêu tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 70%.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương cần xây dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể, định kỳ và rà soát lại toàn bộ các chính sách đã ban hành. - Ảnh: Chinhphu.vn

Thực tế cho thấy, nếu lãnh đạo địa phương quan tâm, quán triệt đúng tinh thần Đề án thì hoạt động dạy nghề sẽ đi đúng hướng và ngược lại. Ý thức được điều này, trong năm 2011, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án 1956 đã quán triệt việc thực hiện “4 có” và “4 biết”. Theo nhận định của Ban Chỉ đạo Trung ương, địa phương nào thực hiện đủ “4 có”- “4 biết” thì hầu hết lao động sau học nghề có việc làm, vì đáp ứng đúng nhu cầu của lao động và nhu cầu nhân lực địa phương. Tuy nhiên, còn một số địa phương chưa nắm được tinh thần này, làm không đúng và không trúng. Việc xác định nhu cầu học nghề của lao động cũng phải cân nhắc trên cơ sở thực tế địa phương.

Mặc dù đã có những kết quả  rất nổi bật, nhưng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trong 2 năm vừa qua mới chủ yếu tập trung vào các mô hình thí điểm, việc đào tạo mở rộng ở các địa phương vẫn còn có những hạn chế phải khắc phục. Vẫn còn tình trạng nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người học, chưa gắn chặt với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Chỉ tiêu về số lượng dạy nghề cho lao động nông thôn chỉ đạt 87%. Vẫn có 9 tỉnh, thành không đạt mục tiêu tỷ lệ lao động nông thôn học nghề có việc làm theo mục tiêu của Đề án.

Trên cơ sở những thành công ban đầu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị năm 2012, sẽ tiếp tục đào tạo khoảng 600.000 lượt người. Về phía người nông dân, cần xác định rõ đầu ra của công việc rồi mới xác định mình sẽ đăng ký học nghề gì.

Ban Chỉ đạo Trung ương cần xây dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể, định kỳ công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, tối thiểu 2 năm/lần. Rà soát lại toàn bộ các chính sách đã ban hành, công bố trước 27/2 để các địa phương chủ động hướng dẫn thực hiện.

Trong quý 1/2012, các địa phương cần cơ bản khắc phục được “4 thiếu”, đó là thiếu đề án cấp địa phương, thiếu biên chế cho công tác dạy nghề ở cấp huyện, thiếu Ban chỉ đạo dạy nghề cho lao động nông thôn ở 11% số huyện và 27% số xã trên cả nước, thiếu Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của 9 tỉnh.

Trong tháng 2/2012, các địa phương tổng kết công tác dạy nghề cho lao động nông thôn tại địa phương mình.

Nhấn mạnh vai trò của công tác thông tin tuyên truyền, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự vào cuộc mạnh mẽ, có trách nhiệm của các cơ quan thông tấn, báo chí trên cả nước. Phó Thủ tướng đề nghị các đài truyền hình, đài tiếng nói của các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng chuyên mục dạy nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, Phó Thủ tướng mong muốn các cơ quan báo chí cần tiếp cận nguồn tài liệu chính thức của Ban Chỉ đạo Trung ương để tuyên truyền đúng, kịp thời những gương điển hình.

Đề án 1956  được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quan điểm bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động nông thôn; chuyển mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương.

Từ Lương
Continue reading →