Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã phỏng vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân xung quanh quy hoạch này.
PV: Kính thưa Phó Thủ tướng, ngày 22/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1216/2011/QĐ/TTg phê duyệt quy hoạch nguồn nhân lực giai đoạn 2011- 2020. Quy hoạch này được các nhà quản lý đánh giá là bản quy hoạch chiến lược phát triển nhân lực đầy đủ và toàn diện nhất kể từ năm 1975 tới nay mà Chính phủ thực hiện. Xin Phó Thủ tướng cho biết ý nghĩa của bản quy hoạch này?
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Như chúng ta đã biết, Đảng, Nhà nước rất coi trọng việc phát triển giáo dục đào tạo nói riêng và phát triển nhân lực cho đất nước nói chung. Trong thời gian qua chúng ta đã ban hành nhiều văn bản để phục vụ mục tiêu này. Ví dụ, ngành giáo dục, ngành dạy nghề 10 năm qua đã thực hiện chiến lược phát triển. Tuy nhiên, có một thực tiễn là nhiều năm qua việc cung cấp nhân lực cho các ngành kinh tế xã hội mặc dù vẫn đáp ứng nhu cầu nhưng không thể đầy đủ, đặc biệt là trong những ngành đòi hỏi nhân lực có trình độ cao. Chúng ta cũng đã tìm cách lý giải điều này nhưng chưa trọn vẹn. Qua đánh giá tình hình cuối năm 2009 đầu năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải bổ sung một giải pháp quan trọng trong việc phát triển nhân lực đất nước. Đó là phải xây dựng một bản quy hoạch nhân lực 2011-2020.
Vậy quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam 10 năm tới là gì? Đó là xác định nhu cầu nhân lực của chúng ta về mặt số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề cho từng ngành kinh tế, ví dụ cho công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giao thông vận tải và đến từng vùng kinh tế. Trên cơ sở đó, hiện nay các tỉnh xây dựng quy hoạch nhân lực cho từng địa phương mình. Như vậy, chúng ta lần đầu tiên có một đầu bài, mục tiêu rõ ràng về nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội nói chung cũng như từng ngành, địa phương. Khi có đầu bài rồi, ngành giáo dục và đào tạo, ngành dạy nghề và các ban, ngành phối hợp thực hiện làm cho việc đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.
PV: Xin Phó Thủ tướng cho biết những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể mà Chính phủ sẽ thực hiện trong thời gian tới?
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Phải thẳng thắn nhìn nhận là từ trước đến nay chúng ta chưa xây dựng được quy hoạch nguồn nhân lực. Làm việc này rõ ràng là không hề dễ dàng bởi vì từ xưa đến nay, chưa ai làm cơ quan đầu mối để chỉ huy. Qua thảo luận, Chính phủ thống nhất cho rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính là cơ quan tham mưu cho Chính phủ quyết định các ngành kinh tế phát triển như thế nào. Bây giờ phải tham mưu thêm một lĩnh vực là quy hoạch nguồn nhân lực.
Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn và các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành xây dựng quy hoạch nhân lực từ cơ sở. Từ đó, mới có bản quy hoạch tổng hợp về nhu cầu phát triển nhân lực quốc gia 10 năm tới. Và ngay sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, ngành phê duyệt quy hoạch nhân lực của chính ngành mình. Coi đó là một giải pháp quan trọng, 1 trong 4 nguồn lực để thực hiện mục tiêu phát triển ngành và kinh tế xã hội các địa phương.
PV: Qua một gần một năm rưỡi triển khai khảo sát thảo luận, xây dựng bản quy hoạch, theo Phó Thủ tướng, đâu là những khó khăn lớn nhất khi triển khai thực hiện đề án này?
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Khó khăn thứ nhất là nhận thức và thói quen xây dựng chiến lược. Khi chúng tôi làm việc với các địa phương để dự báo nhu cầu nhân lực cho các địa phương thì cũng chỉ rõ đối với khu vực đô thị nên quan tâm đến công nghiệp, dịch vụ, giao thông như thế nào, vùng nông thôn, miền núi, đồng bằng quan tâm đến nông nghiệp ra sao.
Hiện nay chúng ta có thói quen là khi nói đến nhu cầu phát triển thì dự báo rất chính xác là cần có bao nhiêu tiền vốn, quy hoạch khu công nghiệp, nông nghiệp rất rõ ràng nhưng khi hỏi nhân lực cần bao nhiêu thì không trả lời được. Rõ ràng khó khăn đầu tiên là chưa có phương pháp luận, chưa có sự phối hợp giữa các ngành với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Do vậy, qua hơn 1 năm khảo sát từ tháng 4/2010, sau 6 tháng các bộ làm phiên bản đầu tiên và sau đó Chính phủ đối thoại với tất cả 63 tỉnh, thành thảo luận đề án quy hoạch thông qua 7 vùng, thì các địa phương, các bộ, ngành mới hoàn thiện vòng hai. Và đến tháng 3/2011 thì mới xây dựng được bản dự thảo quy hoạch cho các bộ, ngành địa phương.
Khó khăn thứ hai là sau khi có quy hoạch rồi thì ai sẽ triển khai. Rõ ràng chúng ta phải xác định khi quy hoạch có nghĩa là ra đầu bài. “Tổng tham mưu trưởng” nắm chắc đầu bài chính là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng nhu cầu nhân lực cụ thể thì là do từng ngành cụ thể xác định. Như vậy, đến từng giai đoạn tiếp theo, từng ngành khi biết nhu cầu của mình thì phải phối hợp với ngành giáo dục, ngành dạy nghề tổ chức, cử người đi đào tạo, tổ chức thu hút học sinh, sinh viên ra trường về làm đúng nhu cầu của mình.
Khó khăn thứ ba là phải tạo cơ chế cho cả xã hội quan tâm đến công tác đào tạo và sử dụng nhân lực.
PV: Thưa Phó Thủ tướng, một trong những yếu tố quan trọng để đề án triển khai được đồng bộ và có hiệu quả là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương (vốn chưa thật tốt từ trước đến nay) sẽ phải như thế nào?
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Chúng ta có thuận lợi là trong một năm rưỡi qua, khi các bộ, ngành địa phương xây dựng quy hoạch thì bắt đầu có sự phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tổng cục Dạy nghề. Có nghĩa là bên đặt hàng là các bên quản lý ngành và bên đáp ứng là ngành giáo dục và đào tạo, dạy nghề đã có sự gắn bó với nhau trong việc xây dựng kế hoạch.
Còn sắp tới là phải triển khai kế hoạch. Ví dụ khi chúng tôi họp về quy hoạch nhân lực khu vực Tây Nguyên thì thấy 5 tỉnh Tây Nguyên cần có nhân lực về văn hóa cho đồng bào Tây Nguyên, nhưng nếu cả 5 tỉnh mà chỉ có một trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật thì không hợp lý. Qua thảo luận đã thống nhất phương án chọn 1 trong 5 tỉnh Tây Nguyên để đặt 1 trường đại học văn hóa cho cả khu vực. Hoặc là khu vực Bắc Trung bộ có nhu cầu cần phải có một trường đại học văn hóa và trường thể thao thì thống nhất nên đặt ở Thanh Hóa vì Thanh Hóa trước đó đã có trường cao đẳng về văn hóa nghệ thuật, và trong 1 năm qua Thanh Hóa đã nỗ lực chuẩn bị rất tốt.
Trong ngày 22/7, đúng ngày Thủ tướng ký quyết định phê duyệt quy hoạch nhân lực thì cũng đồng thời đồng ý về chủ trương thành lập trường Đại học Văn hóa, Thể thao, Du lịch tại tỉnh Thanh Hóa cho vùng Bắc Trung bộ. Đó chính là sự phối hợp nhịp nhàng giữa Trung ương và các địa phương.
Còn một vấn đề nữa là sẽ cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cơ sở dạy nghề cả nước. Trên cơ sở quy hoạch này, từng địa phương sẽ xây dựng quy hoạch của mình. Thủ tướng đã yêu cầu hàng năm phải có báo cáo về kết quả thực hiện.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng !
Từ Lương (thực hiện)
Sau đây là Video clip: Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trả lời phỏng vấn Cổng TTĐT Chính phủ về quy hoạch nguồn nhân lực
(Theo website Nguyễn Thiện Nhân)