Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm cơ sở sản xuất Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung

0 nhận xét
Doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động đổi mới công nghệ để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Chính vì vậy, Quảng Ninh rất chú trọng đến việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong các doanh nghiệp. Điều này được cụ thể hoá bằng nhiều cơ chế, chính sách của tỉnh.

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Theo khảo sát của Liên minh Hợp tác xã – doanh nghiệp ngoài quốc doanh (HTX-DNNQD), trên địa bàn Quảng Ninh, hiện một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới như: Tập đoàn kinh tế Hoàng Hà (Đông Triều), đầu tư 400 tỷ đồng để xây dựng 2 dây chuyền sản xuất gạch Cotto và gạch Creramic – sản phẩm có chất lượng, giá thành rẻ, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; Công ty Thiên Thuận Tường (TP Cẩm Phả), đầu tư 200 tỷ đồng để ứng dụng công nghệ mới tiết kiệm năng lượng trong chăn nuôi; các Công ty gốm sứ Quang Vinh, Công ty CP công nghệ thực phẩm Thái Lan, Công ty Bia, rượu, nước giải khát Cẩm Phả, Công ty xây dựng chế biến gỗ… đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đổi mới, ứng dụng KHCN trong sản xuất kinh doanh của cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh vẫn còn rất hạn chế. Trong số 7.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh thì trên 60% tham gia trong lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ, ít ứng dụng KHCN. Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm vật chất cho xã hội trên các lĩnh vực: Sản xuất công nghiệp cơ khí; vật liệu xây dựng; sản xuất sành, sứ; chế biến lương thực, thực phẩm; sản xuất, chế biến và nuôi trồng nông, lâm, thuỷ sản… chiếm gần 30%. Số doanh nghiệp đưa ứng dụng KHCN tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám rất ít, chiếm khoảng 10%…

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm cơ sở sản xuất của Nhà máy Chế tạo thiết bị nâng hạ - Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm cơ sở sản xuất của Nhà máy Chế tạo thiết bị nâng hạ - Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung
Ông Nguyễn Lương Tá, Chủ tịch Liên minh HTX – DNNQD cho rằng: “Không hẳn là các doanh nghiệp thờ ơ với việc ứng dụng KHCN vào sản xuất. Bởi doanh nghiệp nào cũng nhận thức rất rõ rằng, KHCN là quốc sách, là động lực phát triển đất nước; là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh, đứng vững trong nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế. Nhưng đôi khi vì “lực bất tòng tâm” nên việc ứng dụng KHCN vẫn chậm trễ”. Cũng theo ông Tá, có 6 nguyên nhân chính đã dẫn đến thực trạng ứng dụng KHCN trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay. Đó là: Kiến thức, trình độ quản lý kinh doanh, kiến thức khoa học, công nghệ của các doanh nghiệp, doanh nhân còn nhiều hạn chế; quy mô của các doanh nghiệp còn nhỏ, còn nhiều khó khăn về mặt bằng sản xuất, cơ sở hạ tầng, vốn nên hoạt động chưa ổn định, chưa xây dựng được chiến lược và mục tiêu kinh doanh cũng như chưa mạnh dạn đầu tư ứng dụng KHCN; các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế trong việc nắm thông tin về KHCN, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng KHCN của nhà nước; trình độ của đội ngũ cán bộ nghiên cứu ứng dụng KHCN trong các doanh nghiệp còn yếu; các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm mới thử nghiệm ra thị trường…

Rộng đường phát triển

Trong số các nguyên nhân nêu trên, thiếu vốn là vấn đề khó khăn nhất, bức xúc nhất hiện nay mà nhiều doanh nghiệp kiến nghị với tỉnh để có cơ chế hỗ trợ. Bà Phạm Thị Kim Cương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất viên nén nhiên liệu Hạ Long xanh – Khu công nghiệp Việt Hưng nói: “Dự án của chúng tôi là xây dựng nhà máy sử dụng dây chuyền sản xuất công nghệ cao, tận dụng dăm gỗ để làm viên nén nhiên liệu bảo đảm môi trường, có giá trị cao về kinh tế nhưng vì thiếu vốn mà đến thời điểm này vẫn chưa thể hoạt động. Vì vậy, rất cần tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Văn Cát, giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Hải Hà đề xuất: “Việc ứng dụng KHCN vào xử lý môi trường hiện nay đang rất bức xúc. Để làm được điều này, thì chúng tôi cần phải có vốn lớn mới đầu tư được công nghệ cao. Với một doanh nghiệp nhỏ như doanh nghiệp của tôi ở Hải Hà khó mà có được nguồn vốn lớn như vậy”. Còn bà Lương Thị Hà, chủ nhiệm HTX Khang Vượng (khu công nghiệp Hải Yên, TP Móng Cái) lo lắng chia sẻ: “Có rất nhiều sản phẩm được thực hiện thành công ở mô hình thử nghiệm nhưng khi đi vào sản xuất thực tế, tạo thành sản phẩm đại trà tung ra thị trường thì doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Chính vì vậy, thành công mới chỉ dừng lại ở việc thử nghiệm”…

Trước những băn khoăn của các doanh nghiệp, ông Tạ Duy Thịnh, Giám đốc Sở KH&CN khẳng định: “Năm 2012, tỉnh đã xác định tập trung cho công tác quy hoạch và KHCN. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh là 1 trong 5 tỉnh, thành trên 63 tỉnh, thành trong cả nước có chương trình ký kết phối hợp với Bộ KHCN để phấn đấu đến năm 2015, xây dựng Quảng Ninh trở thành mô hình tiên tiến về KHCN. Từ tháng 10-2011 đến nay, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để ban hành hàng loạt các chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy KHCN phát triển. Đây là hướng mở rất thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực KHCN”. Cũng về các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển KHCN, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Chính phủ cũng đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách tài chính phát triển của ngành công thương liên quan đến việc ứng dụng KHCN trong các doanh nghiệp như chương trình tiết kiệm năng lượng và phát triển các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong đó có rất nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện… cho các dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch; miễn, giảm tiền sử dụng đất; hưởng chính sách đầu tư từ ngân hàng phát triển Việt Nam theo quy định. Hay như chương trình xúc tiến thương mại, hàng năm tỉnh bố trí ngân sách từ 5-7 tỷ đồng cho các quỹ quảng bá xúc tiến du lịch, hỗ trợ xúc tiến đầu tư… Chính sách phát triển thương mại điện tử; chương trình khuyến công”.

Hiện nay, tỉnh đã thành lập Quỹ phát triển KHCN trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ vốn ban đầu để hoạt động. Về lâu dài, quỹ phải tự bảo tồn và phát triển vốn.

Cẩm Nang (BQN)

Leave a Reply